Cải cách lương hưu: Bài toán hóc búa với chính quyền Tổng thống Pháp Macron

17/12/2019 21:37

Bất chấp việc chính phủ Pháp đã có một số nhượng bộ xung quanh kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, người dân Pháp vẫn tiếp tục biểu tình.

Những cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu tại Pháp đã qua ngày thứ 12, gây tắc nghẽn giao thông và tê liệt nhiều hoạt động công cộng ở Pháp, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ cho chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Biểu tình kéo dài

Chương trình cải cách hưu trí là một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Macron. Trước đây, chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Macron đã từng theo đuổi chương trình cải cách lương hưu nhưng đã thất bại do tính chất gai góc và nhạy cảm của vấn đề này.

Nhằm rút gọn hệ thống lương hưu được cho là cồng kềnh của Pháp, Tổng thống Macron đã công bố hơn 40 kế hoạch khác nhau trong đó có các đề xuất điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu và lương hưu, vì cho rằng hệ thống này tốn kém và không công bằng. Ở Pháp hiện nay đang tồn tại hệ thống lương hưu khá phức tạp, với 42 chế độ khác nhau.

Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng hệ thống hưu trí này đã lỗi thời và không thể tiếp tục tồn tại. Ông muốn hướng tới một hệ thống đơn giản, quy định mức lương hưu theo điểm để đảm bảo công bằng cho mỗi người hưởng lương.

Và kế hoạch cải cách sẽ cho phép thiết lập một hệ thống hưu trí phổ quát mới, trong đó, người Pháp đóng góp và cùng hưởng các quyền lợi như nhau, đồng thời xóa bỏ các chế độ đặc biệt đang được áp dụng.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Pháp Macron công bố hơn 40 kế hoạch khác nhau nhằm rút gọn hệ thống lương hưu cồng kềnh của Pháp thì đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của người dân.

Các nghiệp đoàn cho rằng, việc áp dụng lương hưu chung như vậy sẽ đòi hỏi hàng triệu người lao động trong cả lĩnh vực công và tư nhân phải làm việc lâu hơn hoặc đối mặt với việc bị giảm lương hưu. Nhiều nhân viên lại cho rằng, cải cách trên tước đi các quyền lợi đặc biệt dành cho họ lâu nay.

Vì vậy, các cuộc biểu tình đình công rầm rộ ở Pháp đã bắt đầu từ ngày 5.12 với khoảng hơn 800 nghìn người xuống đường trên khắp nước Pháp để phản đối kế hoạch giới thiệu một chế độ lương hưu mới của chính phủ Pháp.

Hệ quả của các cuộc biểu tình đình công trong 12 ngày qua là tình trạng giao thông công cộng tại Pháp bị tê liệt và được dự báo sẽ còn diễn biến trầm trọng hơn trong những ngày tới. Trong những ngày qua, hoạt động biểu tình và đình công đã và đang đang tác động nghiêm trọng và làm đảo lộn đời sống của nhiều người dân Pháp, đặc biệt là tại thủ đô Paris.

Riêng trong ngày 16-12, cuộc biểu tình đã gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông kỷ lục, kéo dài 630 km ở khu vực Paris, nơi chỉ có 2 tuyến tàu điện ngầm hoạt động theo chế độ tự động (không có người lái tàu) nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, 14 tuyến tàu điện ngầm khác cũng phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với phần lớn các tuyến tàu hỏa ở Paris và các địa phương khác cũng như các tuyến tàu liên vận quốc tế. Cuộc biểu tình đang diễn ra có sự tham gia của phần lớn nhân viên làm việc ngành công cộng, như nhân viên lái tàu, giáo viên, nhân viên y tế... những người lo ngại về tuổi lao động bị kéo dài và lương hưu thấp hơn.

Riêng các nhân viên lái xe tải trong ngày 16.12  cũng đã phát động một cuộc biểu tình riêng rẽ, phong tỏa các tuyến đường giao thông trên toàn nước Pháp đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Đáng lo ngại là các nghiệp đoàn tại Pháp tuyên bố sẽ tiếp tục phát động biểu tình quy mô lớn và muốn kéo dài cuộc biểu tình này qua lễ Giáng Sinh.

Thách thức với chính quyền Tổng thống Macron

Nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe kêu gọi người dân Pháp bình tĩnh chờ đợi chính phủ công bố chương trình cải cách chi tiết về chế độ hưu trí và tránh sa vào các tin tức giả mạo. Và ngày 11.12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã thông báo chi tiết dự thảo luật cải cách lương hưu, khẳng định rằng giải pháp duy nhất là làm việc lâu hơn.

Theo dự luật này, tuổi nghỉ hưu chính thức giữ ở mức 62 tuổi cho đến năm 2027, sau đó sẽ tăng lên 64 tuổi. Quá trình chuyển sang hệ thống hưu trí phổ quát duy nhất (hợp nhất 42 quỹ hưu trí khác nhau) sẽ chỉ áp dụng cho thế hệ sinh từ năm 1975 và sau đó. Như vậy, thế hệ sinh từ năm 2004, sẽ đủ 18 tuổi vào năm 2022, trực tiếp được áp dụng vào hệ thống hưu trí mới…

Thủ tướng Pháp cũng khẳng định, dự luật này sẽ có lợi cho phụ nữ vì sẽ nhận 100% lương trong thời gian nghỉ sinh con và trợ cấp hưu trí sẽ được tính từ con đầu, chứ không phải từ con thứ ba như hệ thống lương hưu hiện nay. Người lao động nặng nhọc, độc hại có thể nghỉ hưu sớm hơn hai năm, tức là ở tuổi 60.

Mức lương tối thiểu sẽ là 1.000 euro và lương hưu sẽ được tính theo mức lương tối thiểu, khi đó người nghỉ hưu sẽ nhận được mức lương tối thiểu 85%. Theo Thủ tướng Pháp, người giàu sẽ đóng góp nhiều hơn so với hiện nay và lương hưu của giáo viên sẽ không giảm.

Sự trấn an này của Thủ tướng Pháp được đưa ra trong bối cảnh rất đông giáo viên đình công do lo ngại lương hưu sẽ thấp hơn so với cách áp dụng hiện nay, tính theo mức lương của sáu tháng cuối cùng trước khi nghỉ hưu.

Theo các nhà phân tích, dự thảo cải cách lương hưu vừa được công bố đã cho thấy có một số nhượng bộ của Chính phủ Pháp đối với các cuộc đình công rầm rộ của người dân kéo dài trong 12 ngày qua.

Thủ tướng Pháp cũng cho biết dự luật về hệ thống hưu trí phổ quát sẽ dẫn tới việc xóa bỏ 42 chế độ hưu trí đang tồn tại, trong đó có cả chế độ đặc biệt cho một số ngành nghề lao động như ngành đường sắt, khai thác mỏ. Những điều chỉnh này sẽ được áp dụng theo từng bước.

Chính phủ Pháp cũng khẳng định những sự điều chỉnh trên sẽ tạo nên một hệ thống hưu trí công bằng hơn và giúp xóa bỏ mức thâm hụt hệ thống lương hưu, dự đoán sẽ lên tới 17 tỷ euro (19 tỷ USD) vào năm 2025.

Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn vẫn cho rằng, tất cả người lao động sẽ bị thiệt thòi từ cải cách lương hưu và chính phủ chưa có các biện pháp cụ thể, còn mập mờ để bảo đảm sự công bằng.

Điểm mấu chốt khiến các nghiệp đoàn chưa hài lòng chính là việc hệ thống hưu trí mới sẽ hủy bỏ các cơ chế lương hưu đặc biệt (bao gồm cơ chế cho phép nghỉ hưu sớm và một số lợi ích khác đối với người lao động thuộc khu vực công). Ngoài ra, phía nghiệp đoàn cũng không đồng tình kế hoạch kéo dài tuổi lao động của chính phủ.

Vì vậy, ngay sau khi Thủ tướng Pháp công bố những chi tiết quan trọng của dự luật cải cách lương hưu, các tổ chức công đoàn Pháp đã chỉ trích gay gắt, đồng thời kêu gọi tiếp tục biểu tình phản đối.

Có thể thấy, các cuộc đình công nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu lần này, tiếp nối sau làn sóng biểu tình của phong trào "Áo vàng" phản đối tăng giá nhiên liệu diễn ra từ 1 năm qua, đang một lần nữa đặt ra thách thức với chính quyền của ông Macron.

Theo kết quả một cuộc thăm dò mới công bố trên tờ Le Journal du Dimanche ngày 15.12 cho thấy, nếu như ở thời điểm bắt đầu các cuộc biểu tình mới chỉ có 46% người Pháp được hỏi ủng hộ làn sóng đình công hoặc bày tỏ đồng tình với những người đình công, thì sau 10 ngày, con số này đã lên tới 54%. Đây được xem là một bài toán hóc búa cho chính quyền của Tổng thống Macron.

Tuy nhiên đến nay, đứng trước sức ép từ người biểu tình, chính phủ Pháp vẫn khẳng định sẽ thực hiện từng bước việc cải cách nhưng quyết tâm xây dựng hệ thống lương hưu phổ quát dù có nhiều người phản đối.

Các nhà phân tích cho rằng, cải cách tức là phải thay đổi và đã thay đổi thì luôn có những người bị ảnh hưởng về quyền lợi. Do đó, việc cải cách chế độ lương hưu của chính phủ Pháp vấp phải sự phản đối là điều dễ hiểu.

Trong bối cảnh biểu tình hiện nay ở Pháp, cần phải có thời gian để người dân thích nghi. Và giải pháp tốt nhất để giải quyết những vấn đề của Pháp hiện nay là dựa vào đối thoại xã hội. Việc trao đổi, thảo luận về các kỳ vọng, những điểm đồng thuận và các vấn đề còn bất đồng trên cơ sở gạt bỏ lợi ích riêng là cách thức duy nhất để các bên có được tiếng nói chung, mang lại sự ổn định cho nước Pháp.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách lương hưu: Bài toán hóc búa với chính quyền Tổng thống Pháp Macron