Không có công thức, khuôn mẫu chung nào để giải quyết khi hôn nhân bên bờ vực thẳm, vì sự phản bội bởi tâm lý con người đa dạng và phức tạp.
Tạm cho là có một công thức chung: Bất cứ người làm cha mẹ nào có con gái đều lo lắng con mình "thân gái 12 bến nước", bài học họ rút từ nhiều thế hệ. Cho nên, ngoài tri thức con gái gặt hái được, cha mẹ nào cũng ít nhiều trang bị "công, dung, ngôn, hạnh" làm hành trang cho con vào đời.
Những điều mà cha mẹ trang bị cho con gái không phải phục vụ lại cha mẹ mà là cho "bên kia", với mục đích con gái có được gia đình hạnh phúc, ấm êm, nhà chồng thương quý và nể trọng.
Nhưng nếu chẳng may gia đình con gái không hạnh phúc, con rể có mối quan hệ ngoài luồng, có nhân tình. Lúc này người làm cha mẹ xử trí ra sao? Coi như không biết, bỏ qua, để tự con gái giải quyết hay xắn tay áo cùng con?
Cha mẹ già chỉ mong những điều suôn sẻ tới với con cháu (Ảnh minh họa)
Khi tôi hỏi tình huống trên một chị đồng nghiệp, là mẹ đơn thân có một con gái, chị cương quyết: "Bỏ, dứt khoát bỏ".
Cuộc hôn nhân của chị tan vỡ với lý do chính là anh chồng bồ bịch lăng nhăng. Thậm chí sau khi chia tay, anh còn quay trở lại năn nỉ chị tha thứ và chị đã bỏ qua. Nhưng anh chứng nào tật nấy, ngựa quen đường cũ. Mãi đến mấy năm sau chị mới dứt khoát được cuộc hôn nhân không may mắn này.
Chị kể: "Hồi đám cưới con gái, chị gọi hai con đến và thẳng thắn bảo rằng vợ chồng khi quyết định sống với nhau phải yêu thương nhau, nhiệm vụ chung là cùng nuôi dạy con cái, nếu một ngày nào đó con rể có người khác, không còn yêu con gái, chị ủng hộ phương án ly hôn". Đến giờ đã mười năm rồi, gia đình con gái vẫn ổn, tuy vậy chị vẫn... hồi hộp, ở đời không có gì chắc chắn cả.
Chị bạn tôi có lo xa quá không từ kinh nghiệm của chị? Tôi đặt vấn đề cho các bạn trên Facebook: "Là mẹ vợ, khi phát hiện con rể phản bội con gái mình, bạn sẽ làm thế nào? Bạn nam cũng có thể tham gia bình luận, với tư cách là người trong cuộc và ngoài cuộc".
Chủ đề trở nên "nóng" khi nhận được nhiều ý kiến. Một bạn mở đầu: "Mình sẽ im lặng, để con gái giải quyết chuyện gia đình riêng của con".
Tôi hiểu cô bạn này, bạn trang bị cho con gái hành trang khá chu đáo, bạn biết con gái sẽ tỉnh táo, biết cách tự hỏi lòng là còn yêu chồng hay không và nếu tha thứ thì cuộc sống sau này có nhẹ nhàng không?
Một anh bạn tính hơi phóng khoáng, hiện sống ở miền núi, có con gái đã lập gia đình riêng nói: "Tôi sẽ bảo con rể "Con dốt lắm, lộ liễu quá, say quá để vợ biết là tan nhà đấy". Rồi bảo với con gái là lờ đi, để xem con rể xử lý thế nào rồi tính tiếp".
Một bạn cho biết: "Còn tùy mức độ, vấn đề là ông con rể có nhận thức được đâu là cuộc đời, đâu là cuộc chơi, để chuyện bên ngoài ảnh hưởng đến gia đình là dở rồi".
Một bạn nam khác cho rằng, thường không can dự vào gia đình con cái, để chúng tự giải quyết, cha mẹ chỉ có tình thương yêu để con tựa vào khi cần. Quả là một ông bố khá chín chắn và trải đời.
Ngoài hai ý kiến, một cô bạn trẻ có cuộc hôn nhân đầu không may mắn, hiện cô sống với người chồng thứ hai rất hạnh phúc, nói rằng: "Hồi đó mẹ dứt khoát bảo em bỏ".
Và một cô bạn đã làm bà ngoại rồi cũng quyết liệt: "Dẫn cháu ngoại và con gái về".
Nhiều "mẹ vợ" rất thấu tình đạt lý khi cho rằng, cần phải nói chuyện với con rể, tìm hiểu ngọn ngành sự việc với mong muốn hàn gắn được chuyện hôn nhân của con. Đó là:
- Gọi từng đứa hỏi, phải biết lắng nghe cả hai bên. Bất lực quá, không tìm được tiếng nói chung của chúng thì cha mẹ hai bên gặp nhau nói chuyện. Chẳng cha mẹ nào muốn con mình đổ vỡ hôn nhân cả.
- Bình tĩnh không làm lớn chuyện, thông tin chính xác cho bà thông gia hợp tác, tìm cách khuyên bảo được con trai. Nhưng chú ý phải có bằng chứng rõ ràng, nếu không bà thông gia lại bênh con trai thì mệt nữa.
- Nói chuyện riêng với con rể. Không cần nêu bằng chứng để "quyết chiến" với nó, vì bằng chứng là "triệt buộc" dễ khiến con rể không còn đường "quay xe". Sau đó, tùy thái độ của con rể mà có cách giải quyết tiếp.
- Hỏi con rể xem con gái mình đã đối xử với gia đình chồng như thế nào.
- Nói chuyện với con rể như là con của mình sinh ta. Được - mất không thành vấn đề. Nếu cậu ấy không còn yêu thương vợ nữa thì khuyên chia tay. Ngược lại, cha mẹ nên tha thứ và coi như không có chuyện gì xảy ra. Cho con rể thời gian để quyết định.
Khi con gái không hạnh phúc, mẹ cha nào không đau (Ảnh minh họa)
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không có công thức, khuôn mẫu chung nào để giải quyết khi hôn nhân bên bờ vực thẳm vì sự phản bội bởi tâm lý con người đa dạng và phức tạp.
Mỗi người sẽ có cách giải quyết riêng và cần khẳng định: mục đích sống của con người hiện đại là hạnh phúc chứ không phải khổ đau.
Theo Người lao động