Trong số ấy, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (quê Nghệ Tĩnh, sinh năm 1934) lấy họ của vợ (vợ nhà thơ là Vũ Thị Ty) ghép với hai từ Ngàn Chi thành bút danh Vũ Ngàn Chi.
Những năm 1960-1974, nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo ở miền Bắc được cấp trên điều vào công tác ở chiến trường miền Nam thâm nhập thực tế sáng tác, phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta. Để giữ bí mật, hầu hết các nhà văn, nhà thơ đều chọn cho mình từ một đến hai bút danh. Người thì ghép tên quê hương, tên vợ, tên con làm bút danh. Trong số ấy, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (quê Nghệ Tĩnh, sinh năm 1934) lấy họ của vợ (vợ nhà thơ là Vũ Thị Ty) ghép với hai từ Ngàn Chi thành bút danh Vũ Ngàn Chi. Song, hai chữ Ngàn Chi đã gây phiền phức, làm bà xã nhà thơ nổi máu Hoạn Thư vì bút danh này.
Chả là đầu năm Bính Ngọ (1966), nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đang làm biên tập ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông được Tổng cục Chính trị điều đi chiến trường Quảng Trị. Trước khi đi, ông chọn cho mình một bút danh, nhưng mấy cái tên đưa ra ông đều chưa hài lòng. Thế rồi nhà thơ nhớ lại chuyến đi thăm núi Yên Tử (Quảng Ninh), ở đó có hai ngọn núi, một ngọn có tên Con Cóc, ngọn khác tên Ngàn Chi, nhà thơ liền ghép với họ của vợ mình thành một bút danh thật đẹp: Vũ Ngàn Chi. Từ đó, các sáng tác của Phạm Ngọc Cảnh gửi ra các báo, tạp chí ở miền Bắc đều đăng dưới chuyên mục "Bài từ miền Nam gửi ra" với bút danh Vũ Ngàn Chi.
Suốt hơn hai năm, số bài của Vũ Ngàn Chi gửi ra được sử dụng khá nhiều. Biết vợ của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh tên là Vũ Thị Ty, diễn viên múa của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, gần trung tâm Hà Nội nên các báo đã mời nữ diễn viên này đến lĩnh nhuận bút cho chồng. Khi đến tòa soạn thấy toàn bút danh Vũ Ngàn Chi đề tên dưới các tác phẩm, chị Ty quyết không lĩnh nhuận bút mà bực bội ra về.
Ngày trước, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh yêu một cô gái xinh đẹp tên là Phương Chi, nhưng cuộc tình duyên này không thành. Nghe thấy tên Chi, chị Ty nghĩ rằng chồng mình vẫn còn tơ tưởng đến người cũ, nên chọn bút danh Ngàn Chi, có nghĩa là ngàn năm vẫn nhớ Chi.
Biết là vợ mình hiểu lầm mình, nhưng thời điểm ấy chồng Nam vợ Bắc thì thật khó giải thích. Đến cuối năm 1968, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh được ra Hà Nội an dưỡng và chữa mắt. Sau mấy năm xa nhau, nay hai vợ chồng mới gặp lại, vợ ông vẫn chưa hết giận. Giải thích mãi vợ ông mới chịu nghe ra.
HT (st)