Ở vào những lúc dịch bệnh căng thẳng nhất, người Hà Nội đã không để thua giặc dịch. Truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường của quân, dân Thủ đô càng thêm tỏa sáng.
Cột cờ Hà Nội, nơi tổ chức lễ thượng cờ lịch sử, chiều 10.10.1954. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, người dân Hà Nội lại ngập tràn cảm xúc hào hùng về truyền thống lịch sử. Tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường làm nên mốc son chiến thắng cách đây 67 năm (10.10.1954 - 10.10.2021) mãi là nguồn động lực mạnh mẽ cho Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.
Nhân dịp này, báo điện tử Hải Dương trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Chiều sâu lịch sử hào hùng...
1011 năm về trước, khi Đức vua Lý Thái Tổ ban “Chiếu dời đô”, đưa kinh thành từ Hoa Lư về Đại La, đến nay, vùng đất Thăng Long-Hà Nội đã trải qua nhiều thăng trầm. Nhưng quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước đã đoàn kết một lòng, kiên cường chiến đấu và chiến thắng, viết nên những bản hùng ca bất diệt, trong đó có Ngày Giải phóng Thủ đô 10.10.1954.
Hà Nội giải phóng đã đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở màn cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược là 60 ngày đêm chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” vô cùng oanh liệt của quân, dân Thủ đô năm 1946 và kết thúc khi những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Để rồi sáng 10.10.1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hàng vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng và niềm hân hoan hạnh phúc như vỡ òa, đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.
Sau khúc khải hoàn, bắt tay ngay vào tái thiết, quân, dân Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đi đầu trong xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời chi viện “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho tiền tuyến miền Nam.
Đấu tranh kiên cường, gan dạ và vô cùng sáng tạo, Hà Nội đã cùng quân, dân miền Bắc làm nên chiến thắng lẫy lừng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút quân khỏi nước ta, mở đường cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975, thu non sông về một mối.
Bước vào thời kỳ xây dựng đất nước thống nhất, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hà Nội tiếp tục là đầu tàu trong các phong trào thi đua, đóng góp to lớn vào thành tựu có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế chưa từng có của đất nước hôm nay.
Nổi bật là năm 2008, Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, xác lập một tầm vóc lớn, một không gian phát triển mới.
67 năm qua, từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên ngày càng lớn mạnh. Ngày nay, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số cả nước, nhưng hằng năm, Thủ đô đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu và mức này đang ngày càng tăng.
Vai trò, vị thế của Hà Nội ngày càng được khẳng định, có quan hệ ngoại giao với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước trên thế giới; xứng đáng là trái tim của cả nước, đầu mối giao thương lớn của khu vực và thế giới.
Nguồn lực nội sinh mạnh mẽ
Từ hiện tại nhìn về quá khứ, càng trong hoàn cảnh khó khăn, Hà Nội càng phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường được hun đúc từ lịch sử. Đây chính là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ giúp Hà Nội không chùn bước trước mọi khó khăn, cho dù chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19.
Khi đợt bùng phát dịch thứ tư xảy ra từ cuối tháng 4 năm nay, Hà Nội là địa bàn có nguy cơ cao nhất cả nước. Trước tình thế nguy nan, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở đã vào cuộc. Quân, dân Thủ đô trên dưới một lòng, chung lưng đấu cật gánh vác từ việc lớn đến việc nhỏ. Hà Nội đã lập nên hệ thống phòng chống dịch chặt chẽ, nhiều lớp, nhiều vòng tới tận ngõ, phố.
Để ngăn chặn đà lây lan của dịch, thành phố đã dũng cảm, sáng suốt áp dụng biện pháp mạnh ngay từ đầu. Dẫu khó khăn, phiền phức do thực hiện giãn cách, người dân Thủ đô luôn đoàn kết, đồng sức, đồng lòng. Thực hiện 4 đợt giãn cách liên tục trong 60 ngày vô cùng vất vả, nhưng quân, dân Thủ đô dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thực hiện thành công. Qua mỗi đợt giãn cách, số ca mắc, nhất là ca mắc ngoài cộng đồng đều giảm.
Cùng với chiến dịch thần tốc tiêm vaccine, xét nghiệm tầm soát diện rộng, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước nới lỏng để phục hồi phát triển kinh tế. Đây là điều kiện để tính đến ngày 9.10, trong hơn 150 ngày của đợt bùng phát dịch thứ tư, toàn thành phố chỉ ghi nhận hơn 4.037 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài khoảng thời gian khó khăn của quý 3.2021, Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 2.2021 của thành phố đã tăng 6,61%, cao hơn quý 1.2021 (tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%). Tăng tưởng GRDP 9 tháng của thành phố đạt 1,28%.
Kiên cường, quyết đoán, nhưng Hà Nội thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau,” thành phố đã kịp thời hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời ban hành thêm chính sách đặc thù hỗ trợ cho 12 nhóm đối tượng khó khăn khác. Tính đến đầu tháng 10, hơn 3,2 triệu lượt người dân trên địa bàn đã được thụ hưởng các khoản hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1.375 tỷ đồng...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ). (Ảnh: TTXVN)
Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội. Xuất phát từ tinh thần ấy, Thủ đô đã tích cực chi viện cho địa phương khác. Tính riêng đợt bùng phát dịch thứ tư, Hà Nội đã hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo (trị giá 75 tỷ đồng), tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo và 18 tỉnh, thành phố phía Nam mỗi tỉnh 3 tỷ đồng, chưa kể hỗ trợ về lực lượng, vật tư y tế, máy xét nghiệm... Trước đó, thành phố đã cử đoàn cán bộ y tế chi viện các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về công tác xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly...
Ở vào những lúc dịch bệnh căng thẳng nhất, người Hà Nội đã không để thua giặc dịch. Truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường của quân, dân Thủ đô càng thêm tỏa sáng.
Tập trung thực hiện ngay tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII)
Thời gian tới, bối cảnh kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, khó lường. Yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành, quân, dân Thủ đô là phải đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, tập trung trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp chặt chẽ để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Trước mắt, thực hiện ngay tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa bế mạc ngày 7.10, trong những tháng cuối năm 2021, các cấp, các ngành thành phố phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình hiện nay và có tính khả thi cao để tiếp tục tập trung ưu tiên phòng chống dịch bệnh và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của dịch bệnh. Hà Nội sẽ ưu tiên triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp; nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, thách thức; ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh...
Thành phố sẽ phải nỗ lực hết sức giữ vững thành quả chống dịch COVID-19 và từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, đó là: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học-công nghệ là then chốt; ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Trong đó, Hà Nội tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc xin để kịp tiêm phủ mũi 2 trong tháng 10.2021.
Để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ chú trọng vào 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt là: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu-chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Nỗ lực vượt qua khó khăn trước mắt, Hà Nội đồng thời phải quyết tâm thực hiện các dự án, công trình mang tầm nhìn chiến lược vừa tạo thế và lực mới cho Thủ đô, vừa giải quyết những vấn đề cấp bách mà cuộc sống đặt ra.
Trên tinh thần này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết riêng về chủ trương triển khai đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường vành đai 4; đồng thời đã thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ. Cụ thể hóa chỉ đạo này, HĐND thành phố đã thông qua các nghị quyết để triển khai thực hiện.
Việc đầu tư Tuyến đường vành đai 4 - Vùng thủ đô được Hà Nội xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trong khi đó, Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ, hầu hết đã xuống cấp, nhiều chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng. Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ lớn, khó khăn, phức tạp và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần phải khẩn trương triển khai. Nhưng do nhiều vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, đến nay số lượng chung cư được cải tạo chưa nhiều.
Do đó, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố nhiệm kỳ này quyết tâm chỉ đạo, tạo bước đột phá về công tác cải tạo chung cư cũ nhằm bảo đảm sự an toàn, tính mạng, tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Những nỗ lực bước đầu đã góp phần tháo gỡ một phần khó khăn về cơ chế; thành phố sẽ cố gắng để khởi công một số dự án trong thời gian sớm nhất.
Trên hành trình hướng tới tương lai, Hà Nội xác định rõ yêu cầu văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển bền vững. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Để phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, Hà Nội sẽ đặt trọng tâm là xây dựng con người có nhân cách, có lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, văn minh, thanh lịch.
Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất lớn, nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với hành trang là những thành tựu vẻ vang cả trong quá khứ và hiện tại, Hà Nội sẽ không ngừng nỗ lực gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như tinh thần Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra.
Theo TTXVN