Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh "dọa" đơn vị nào không giảm lãi suất đúng quy định, sẽ đề nghị người dân Đà Nẵng rút hết tiền gửi sang nơi khác.
Ngày 7-9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã chủ trì buổi đối thoại với hơn 150 doanh nghiệp và các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước đó, cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát và thu thập thông tin từ phía doanh nghiệp để nắm những vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết.
Báo cáo tại buổi đối thoại, ông Võ Duy Khương, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết, hoạt động doanh nghiệp của thành phố gặp rất nhiều khó khăn do lãi suất tăng cao, thị trường thu hẹp, tiêu thụ sản phẩm giảm, hàng tồn kho tăng. Doanh nghiệp phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đa số đều không đạt được kết quả đề ra cho 6 tháng đầu năm. Một số nhóm ngành sản xuất sụt giảm sản lượng rất mạnh như thuốc lá đầu lọc giảm 77,2%, xe máy giảm 74,9%...
Nhiều đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến với mong muốn giảm lãi suất vay xuống 10 - 12% |
Trên địa bàn TP Đà Nẵng có 15.146 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký đạt 128.288 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2012, 103 doanh nghiệp đã thông báo tạm ngưng hoạt động; các ngành chức năng thông báo giải thể, xóa tên 108 doanh nghiệp và ban hành thông báo vi phạm đối với 394 cơ sở bỏ địa chỉ kinh doanh (tăng 155% so với cùng kỳ).
Dự kiến 6 tháng cuối năm, thành phố sẽ thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, xóa tên và yêu cầu 891 doanh nghiệp đã đóng mã số thuế thực hiện trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Về phía ngành ngân hàng, nợ xấu trên toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là 2.208 tỷ đồng, tăng 181,6% so với cuối năm 2011, chiếm tỷ lệ 4,55% trên tổng dư nợ. Trong đó khối ngân hàng thương mại nhà nước là 5,37%; ngân hàng thương mại cổ phần, liên doanh, 100% vốn nước ngoài là 3,94%.
Trong số gần 20 ý kiến của đại diện doanh nghiệp tại buổi đối thoại, hầu hết đều mong muốn lãi suất trần cho vay giảm xuống còn 10 - 12%, một năm cho đáo hạn một lần, không chỉ để cứu doanh nghiệp mà là cứu nền kinh tế.
Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH SX - TM B.Q, nhận định trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, phía ngân hàng càng khó cho vay. Trong khi đó, hợp đồng vay vốn ngân hàng thường có điều khoản ba tháng một lần rà soát điều chỉnh lãi suất. "Cứ ba tháng lại một lần nơm nớp lo lãi suất tăng hay giảm, liệu doanh nghiệp có thực sự an tâm để làm ăn? Ngân hàng nhà nước dự báo 6 tháng tới lãi suất giảm nhưng giảm được bao nhiêu?", ông Hải đặt câu hỏi.
Tháng 7 năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm trần lãi suất cho vay với lãi suất dưới 15%. Đến ngày 20/7 chỉ có 38% dư nợ của các khoản vay cũ trên địa bàn Đà Nẵng được đưa về mức lãi suất này, ngày 17/8 tỷ lệ này tăng lên 60,6%.
Từ Hà Nội vào tham gia hội thảo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp Đà Nẵng.
"Ở góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi rất chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp. Lãi suất mong muốn thấp nhưng lãi suất tiền vay phụ thuộc vào tiền gửi, nếu tiền gửi không ở lãi suất thấp thì việc cho vay cũng không thể thấp. Chúng tôi ưu tiên kiềm chế lạm phát và đang xem xét giảm lãi suất cho vay", ông Tiến nói.
Ông cho biết thêm tại phiên họp Chính phủ ngày 6/9, Thủ tướng khẳng định những giải pháp hỗ trợ đang đi đúng hướng nhưng phụ thuộc vào nỗ lực của ngân hàng và tự thân vươn lên của các doanh nghiệp.
Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh kêu gọi doanh nghiệp bình tĩnh, tìm cách vươn lên. Ông nói: "Kêu than cũng không giải quyết được gì, buông tay là thuyền chìm, khó khăn mới biết được tài năng, bản lĩnh của từng doanh nghiệp. Trong cơ chế thị trường hiện nay, các doanh nghiệp dám làm nhưng quan trọng là phải biết làm".
Bí thư Thanh "Ngân sách thành phố sẽ đứng ra bảo lãnh 3.000- 5.000 tỷ đồng" |
Ông Thanh đề nghị doanh nghiệp, UBND TP, Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, rà soát lại những doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay vốn để giải quyết. Theo ông, bản thân ngân hàng cũng đi vay tiền rồi cho vay lại, vì thế không thể dễ dãi cấp tiền cho doanh nghiệp.
"Gặp ai làm ăn chính đáng mà khó khăn mới hỗ trợ, chứ nhiều doanh nghiệp làm bậy mà đòi được cứu thì không được. Cứu sống rồi, phải trả lại chứ không cho không", ông Thanh nói.
Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị ngân hàng linh hoạt hơn trong khâu thẩm định và cho vay, tránh tình trạng doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng không được vay, nhưng có trường hợp vay quá dễ mà làm ăn kém hiệu quả dẫn đến nợ xấu.
"Những ngân hàng không giảm trần lãi suất cho vay thì trong cuộc họp HĐND thành phố, tôi nói vài câu là người dân Đà Nẵng rút hết tiền gửi vào ngân hàng khác, lúc đó đừng có kêu. Doanh nghiệp có sống thì mình mới sống nên phải dựa vào nhau. Các dự án khả thi cần tạo điều kiện cho vay với thủ tục đơn giản, lãi suất rõ ràng, tạo điều kiện cho vay", ông Thanh nêu ý kiến.
Bí thư thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị UBND thành phố thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu cơ chế cho những doanh nghiệp có dự án khả thi, muốn vay mà không tiếp cận được vốn ngân hàng. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp có thể được thành phố đứng ra bảo lãnh để vay vốn. Dự kiến ngân sách thành phố sẽ dành ra khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng cho việc bảo lãnh này. Thành phố cũng sẽ kiểm soát việc vay vốn ồ ạt mà không tính tới hiệu quả kinh doanh.
Trước đó, Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành liên tục tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp và ngân hàng để giải quyết vướng mắc trong tiếp cận vốn vay. Đà Nẵng là địa phương mới nhất tiến hành công việc này và cũng là nơi phát đi thông điệp mạnh mẽ nhất của chính quyền trong việc yêu cầu ngân hàng hợp tác với doanh nghiệp.
Nguyễn Đông (VnE)