Là một Bí thư Đoàn xã năng nổ, làm kinh tế giỏi nên năm 2020, anh Lê Văn Huy, sinh năm 1993 ở thôn Xuân Cầu, xã Lạc Long (Kinh Môn) đã được nhận giải thưởng Lương Định Của cấp tỉnh.
Với gần 2 vạn con chim cút, mỗi ngày gia đình anh thu gần 2 vạn trứng
Anh Huy tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, từng làm giáo viên hợp đồng tại Trường THPT Quang Thành, sau đó về công tác tại Văn phòng Đảng ủy xã Lạc Long, tham gia Ban Chấp hành Đoàn xã. Tháng 8.2020, anh được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lạc Long.
Học được nghề nuôi chim cút từ bố mẹ vợ, năm 2017, vợ chồng anh Huy đầu tư khoảng 400 triệu đồng xây một khu chuồng với 4 dãy rộng hơn 2.500 m2 nuôi được khoảng 1,2 vạn con chim cút. Chuồng có giàn uống nước tự động cho chim, có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ tự động, quạt hút tự động, có lò ấp trứng trắng thành trứng lộn, ấp thành con. Sau này anh xây dựng thêm một khu chuồng nữa nuôi gần 7.000 con. Do được hướng dẫn tỉ mỉ, chăm sóc cẩn thận nên từ lúc nuôi đến nay chưa có lứa chim nào bị mắc bệnh. Hiện nay vợ chồng anh có thể tự ấp trứng thành con giống để nuôi.
Theo anh Huy, chim cút có vòng đời rất ngắn. Sau khi nở nuôi đến khoảng 45 ngày chim bắt đầu đẻ trứng. Chim sẽ đẻ trứng trong vòng 7 tháng, sau đó sẽ kém dần, người nuôi phải có nguồn con giống thay thế. Chim cút sống tốt với nhiệt độ 28 độ C, nên nhiệt độ trong chuồng lúc nào cũng phải được bảo đảm. Hệ thống nhiệt độ tự động sẽ điều chỉnh đúng 28 độ C thì ngắt. Thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng đều ảnh hưởng không tốt tới loại chim này. Chuồng trại ngày nào cũng được quét dọn sạch sẽ. Cứ 3 ngày lại phải vệ sinh phên chứa phân một lần.
Hiện nay vợ chồng anh Huy xuất bán ra thị trường 3 sản phẩm: trứng trắng, trứng lộn và con giống. Khi chưa có dịch bệnh, ngày nào thương lái cũng đến thu mua, cứ có trứng là bán hết, con giống thì tùy thuộc vào người đặt. Với gần 2 vạn con chim cút, mỗi ngày gia đình anh thu gần 2 vạn trứng. Mỗi năm mô hình của anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài tự mình làm, vợ chồng anh còn thuê thêm một số nhân công làm thời vụ. Anh Huy mong muốn thời gian tới địa phương tạo điều kiện cho anh mở rộng mô hình. Anh Huy nói: "Mô hình này không quá khó để thực hiện nhưng cần sự tỉ mỉ, cẩn thận trong quá trình chăm sóc. Tôi nghĩ thanh niên nông thôn có thể phát triển kinh tế bằng những mô hình vừa và nhỏ như thế này".
Thời điểm này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ các sản phẩm của gia trại anh Huy cũng chậm hơn. Dù trứng cút lộn vẫn bán chạy cho các thương lái nhưng trứng trắng chưa bán được nhiều. Nhưng nếu bảo quản tốt, trứng có thể để được 3-4 tuần. Anh Huy rất mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để việc tiêu thụ trứng thuận lợi.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, anh Huy còn tích cực phát huy vai trò là thủ lĩnh thanh niên. Anh đã 12 lần tham gia hiến máu tình nguyện, có nhiều giải pháp phát triển công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương. Chị Hoàng Thị Hằng, Phó Bí thư Thị đoàn Kinh Môn cho biết anh Huy là Bí thư Đoàn điển hình trong công tác đoàn và làm kinh tế giỏi. Thị đoàn mong muốn thời gian tới các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đến thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho thanh niên có khát vọng chính đáng làm giàu ngay trên quê hương mình.
MINH NGUYỄN