Giá dầu hướng dương đang tăng vọt trên khắp thế giới, nhưng ông Roman Tarasevich, một nông dân ở Ukraine, đang mắc kẹt với một núi hạt hướng dương mà không thể chuyển đi đâu.
Theo CNBC, Ukraine là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới, nhưng cuộc chiến với Nga đã khiến việc trồng trọt, sản xuất và vận chuyển trở nên bất khả thi, khiến giá toàn cầu tăng cao. Người dân từ London đến New Delhi tranh giành những chai dầu ăn hướng dương ngày càng đắt.
Đứng bên đống hạt hướng dương chưa bán được tại một nhà kho trang trại ở Zaporizhzhia, miền đông Ukraine, ông Tarasevich, 46 tuổi, nói: “Chúng tôi chắc chắn sẽ gặp khó khăn tài chính, nhưng hiện tại tôi không muốn nghĩ về điều đó và chúng tôi đang tiếp tục làm việc”.
Ông Tarasevich đã giữ lại vụ thu hoạch năm ngoái để thương lượng giá cao hơn, nhưng giống như nhiều người Ukraine, chiến dịch quân sự của Nga ngày 24/2 diễn ra khiến họ bất ngờ. Các cảng đã bị phong tỏa, nhiên liệu khan hiếm và phí bảo hiểm cao ngất.
Các vấn đề tương tự cũng xuất hiện trên cả nền kinh tế Ukraine. Ngân hàng Thế giới dự kiến kinh tế nước này sẽ giảm 45% trong năm nay do chiến tranh.
Ông Tarasevich nói: “Vấn đề chính mà chúng tôi gặp phải khi đưa sản phẩm của mình ra biên giới là biên giới gần chúng tôi nhất cách chúng tôi tới hơn 1.000 km và đang thiếu nhiên liệu”.
Thế giới cũng đang phải thích ứng. Theo trang web dữ liệu kinh tế thelgobaleconomy.com, các siêu thị đã giới hạn số lượng dầu hướng dương bán cho khách hàng ở Anh, Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp… sau khi giá trung bình mỗi tấn tăng khoảng 58% lên 2.361 USD vào tháng 3 so với một tháng trước đó.
Nga cũng là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến nguồn cung mặt hàng này trở nên căng thẳng hơn. Xuất khẩu từ Nga và Ukraine chiếm 55% tổng nguồn cung toàn cầu.
Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước về dầu hướng dương bằng các loại cây trồng của mình, nhưng các chuyên gia thực phẩm cảnh báo rằng giá của Mỹ cũng có thể bắt đầu tăng đột biến khi người mua toàn cầu tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.
Ông Tarasevich nói: “Đó không chỉ là cuộc chiến quân sự. Đó cũng là một cuộc chiến kinh tế, bởi vì thế giới phụ thuộc vào các sản phẩm của Ukraine. Vì vậy, giờ đây, cuộc chiến gây ra vấn đề không chỉ cho Ukraine, mà còn cho toàn thế giới”.
Theo ông Tarasevich, hiện tại, nông dân không thể sử dụng 80% các cánh đồng xung quanh khu vực Zaporizhzhia do chiến sự hoặc do họ bị chiếm đóng.
Ông Tarasevich nói: “Trước chiến tranh, vào cuối vụ, số tiền chúng tôi nhận được từ vụ mùa sẽ được chi cho xe mới, nâng cấp nhà máy, tăng lương, cải thiện công việc kinh doanh. Hiện tại, số tiền chúng tôi kiếm được chỉ đủ để trang trải những thứ cơ bản”.
Tuy nhiên, ông và những người Ukraine khác đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết họ quyết tâm tiếp tục canh tác dưới bom đạn..
Ngoài hướng dương, Tarasevich cũng trồng đậu Hà Lan, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu và kê. Ông nói: “Chúng tôi không thể dừng lại bởi vì chúng tôi đang sản xuất lương thực cho người dân, cho quân đội và cho tất cả mọi người”.
Tại một cánh đồng Zaporizhzhia cách tiền tuyến chưa đầy 20km, nông dân Ukraine vừa mặt áo giáp bảo vệ vừa lao động dưới nắng.
Sắp tới, ít nhất ở Zaporizhzhia, có thể sẽ sớm có nhiều binh lính hơn hoa hướng dương.
Theo báo Tin tức