Bị "chặt chém" là nỗi ám ảnh của nhiều người khi đi du lịch vào các dịp nghỉ lễ, bạn có thể tham khảo các mẹo tránh chặt chém dưới đây để chuyến đi không mất vui.
Nạn "chặt chém" du khách diễn ra rất phổ biến ở các địa điểm du lịch, nhất là trông dịp lễ tết, khiến mọi người vừa mất tiền oan vừa rước bực vào người. Các mẹo tránh "chặt chém" khách du lịch dưới đây sẽ giúp bạn có chuyến du lịch 30/4-1/5 suôn sẻ.
Tìm thông tin về nơi sắp đến
Nhờ internet, bạn dễ dàng tra cứu trước những thông tin cần thiết về điểm đến để chuẩn bị. Trước mỗi chuyến đi, bạn nên tìm hiểu cụ thể về nơi mình sẽ đến, di chuyển ra sao, ăn uống các bữa chính - phụ thế nào, giá cả tại đó đắt đỏ hay rẻ hơn so với nơi bạn đang sinh sống, những địa chỉ nào uy tín… Từ đó, bạn sẽ chủ động hơn trong chuyến đi, ít gặp phải phiền toái ngoài mong muốn, tránh được nạn "chặt chém".
Ngoài ra, còn có rất nhiều diễn đàn, trang review về chủ đề du lịch với nhiều thông tin hữu ích mà bạn có thể tham khảo trước. Đây là cách bạn trở thành người du lịch thông minh, tránh những điểm hay "làm giá", bán với giá trên trời.
Đặt phòng, đặt tour sớm
Những điểm du lịch lớn thường rất đông khách vào các dịp lễ hoặc cuối tuần. Bạn cần đặt phòng hoặc đặt tour du lịch 30/4-1/5 càng sớm càng tốt vì nhu cầu trong những ngày này tăng rất mạnh. Khi đặt sớm, bạn có thể chọn được phòng đẹp, chất lượng dịch vụ tốt, thuận tiện đi lại, đặc biệt có giá tốt và không bị ép giá.
Bạn đừng quá ham rẻ mà tin mù quáng vào những lời quảng cáo giảm giá, ưu đãi “khủng”. Có thể họ đã hét giá lên nhiều lần rồi giảm xuống, hoặc tính thêm nhiều chi phí phát sinh về sau. Tốt nhất hãy lựa chọn những khách sạn có giá niêm yết rõ ràng.
Có nhiều diễn đàn về du lịch, khách sạn để bạn tham khảo. Khi lựa chọn được khách sạn ưng ý trên diễn đàn đó, bạn hãy xem trang web chính thức của khách sạn (nếu có) để hiểu rõ hơn về giá cả và tiện nghi, đồ đạc trong phòng.
Hỏi giá, chọn quán ăn niêm yết giá
Để tránh bị "chặt chém" khi đi du lịch 30.4-1.5, bạn nên chọn những nhà hàng, quán ăn có niêm yết sẵn giá cả. Trước khi gọi món, hãy xem và hỏi giá tiền, hỏi kỹ về các phụ phí có thể bị tính kèm như tiền ghế ngồi, tiền ô che nắng, tiền khăn giấy, thuế, phí phục vụ…
Khi gọi món ăn, bạn cũng nên chọn thứ phù hợp với nơi mình đến, ví dụ như nếu du lịch biển thì nên gọi hải sản thay vì đặc sản rừng, lên núi thì đừng gọi hải sản vì chi phí sẽ đội lên nhiều. Thực khách khi đi ăn thường mang tâm lý ngại hỏi giá vì sợ "quê", sợ bị người đi cùng đánh giá là ít tiền. Kỳ thực, hỏi giá trước khi ăn chứng tỏ bạn là thực khách thông minh.
Ngoài ra, nên kiểm tra kỹ hóa đơn trước khi thanh toán bởi sai sót luôn có thể xảy ra. Các chủ nhà hàng tại điểm du lịch thường có nhiều chiêu trò khác nhau để bàn ăn tăng thêm vài món, dù bạn không gọi. Vì vậy, bạn nên rà soát lại hóa đơn trước khi thanh toán.
Không ngại mặc cả
Điều cần thiết khác khi bạn đi du lịch là không ngại mặc cả. Du khách nam giới thường ngại trả giá nên mua sản phẩm đắt hơn và người bán cũng không tiếc ra giá cao. Ngay cả phụ nữ nên lưu ý để xác định mức giá có thể chấp nhận cho món đồ mình muốn.
Ở một số nơi, bạn phải mặc cả giảm 50 -70% so với giá người bán nêu ra, nhưng có nơi chỉ cần giảm 10 - 20%,... Nếu không tinh ý, bạn sẽ rất dễ mua phải món hàng với giá "trên trời" và có cảm giác bị lừa.
Chuẩn bị vật dụng cần thiết
Đi du lịch dịp lễ 30.4-1.5, bạn nên chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết như đồ bơi, kính râm, nón mũ. Nếu phải mua những thứ này tại khu du lịch, bạn sẽ phải chi tiền nhiều gấp đôi hoặc gấp ba. Đấy là chưa kể khi mua đồ ở khu du lịch, bạn có rất ít lựa chọn về mẫu mã, kích cỡ và chất lượng.
Nếu có điều kiện, hãy mang theo nước uống và đồ ăn, đề phòng trường hợp nhà hàng ăn cách xa khu du lịch.
Lưu số điện thoại đường dây nóng
Khi gặp tình huống bị "chặt chém", nhiều du khách thường ngậm ngùi chịu trận mà không thể tự bảo vệ mình. Cách tốt nhất khi gặp phải tình huống đó là gọi ngay đến số điện thoại phản ánh của cơ quan chức năng nơi bạn đến. Điều này vừa giúp đảm bảo quyền lợi của bạn, vừa tránh tình trạng tranh chấp, xô xát khi người bán có ý định tấn công.
Những số điện thoại bạn cần là: Đường dây nóng phản ánh về tình trạng du lịch của địa phương, cảnh sát khu vực, khách sạn nơi bạn trọ…
Kết thân với người địa phương
Không có gì tuyệt vời hơn là bạn có người thân hoặc bàn bè sống tại nơi mình sẽ đến du lịch. Bạn sẽ không phải lo bị chèn ép khi đi cùng họ. Trong trường hợp không có người thân, bạn có thể chủ động làm quen với mọi người hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của chủ khách sạn, tài xế... để được tư vấn về những nơi nên đến và không nên đến, cách mua bán và trả giá. Bạn cũng có thể nhờ họ đi cùng khi mua sắm nếu họ không ngại.
Không nên đi theo "cò"
Hầu hết các điểm du lịch đông khách đều có “cò”, từ “cò” xe ôm, “cò” taxi, “cò” khách sạn đến “cò” quán ăn, “cò” các shop lưu niệm, đặc sản… Do đó bạn phải thật tỉnh táo để tránh bị dụ dỗ đưa vào bẫy. "Cò” là yếu tố giúp các chủ quán ra sức “chặt chém” khách du lịch. Vì đã được thỏa thuận trước về số tiền ăn chia khi “câu" được khách” nên họ thường ra sức chèo kéo khách, thậm chí ép buộc. Trong những trường hợp đó, bạn nên cẩn thận và phải thật "rắn" để tránh tiền mất tật mang.
Mua đặc sản tận gốc
Nếu có ý định mua quà về, hãy ghé vào các làng nghề địa phương để mua đồ lưu niệm và sản vật tươi ngon. Khi mua tận gốc, giá cả bao giờ cũng rẻ hơn; bạn lại có cơ hội tìm hiểu về cách làm ra những món hàng độc đáo, chất lượng cao.
Theo VTC