Trẻ được rèn luyện tư duy, phát triển trí thông minh ngay từ khi còn nhỏ sẽ tạo nền móng vững chắc cho thành công trong tương lai.
Đọc sách cùng trẻ: Thay vì chỉ đọc sách cho con nghe, cha mẹ nên để trẻ cùng quan sát, xem sách. Nghiên cứu cho thấy điều này giúp xây dựng kỹ năng đọc của trẻ. Việc đọc sách cùng nhau là phương tiện hiệu quả để thúc đẩy khả năng đọc, viết sớm ở trẻ. Trẻ em bắt đầu đọc khi còn rất nhỏ có nhiều khả năng phát triển hứng thú đọc sách suốt đời, học tốt ở trường và thành công trong cuộc sống sau này.
Cho trẻ học âm nhạc: Nghiên cứu cho thấy các bài học âm nhạc giúp trẻ em thông minh hơn. Trẻ em tiếp xúc với âm nhạc thể hiện sự gia tăng lớn hơn về chỉ số IQ toàn diện. Trong thực tế, rèn luyện âm nhạc giúp cho sự phát triển trí não.
Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục nhịp điệu kích thích sự phát triển của não bộ và nâng cao khả năng học hỏi của con người. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng tập thể dục có thể giúp trẻ tập trung chú ý ở trường. Tập luyện thể chất cũng giúp con khỏe mạnh hơn.
Ngủ đủ giấc: Thiếu một giờ ngủ tương đương mất đi hai năm trưởng thành và phát triển nhận thức. Chẳng hạn, thiếu ngủ sẽ biến não của học sinh lớp 6 thành học sinh lớp 4. Giấc ngủ cũng rất quan trọng đối với phát triển trí não cũng như toàn bộ cơ thể của trẻ.
Rèn tính kỷ luật cho trẻ: Chỉ số IQ sẽ không có giá trị nhiều nếu trẻ không tự kỷ luật. Học sinh có ý chí cao nhiều khả năng đạt điểm cao hơn trong các lớp học. Họ ít khi nghỉ học, hạn chế xem TV. Thay vào đó, họ dành nhiều giờ hơn cho bài tập về nhà, rèn luyện các kỹ năng tư duy. Các thanh thiếu niên có tính kỷ luật cao sẽ vượt trội hơn trên mọi thành tích học tập.
Trẻ hạnh phúc có chỉ số IQ cao hơn: Những đứa trẻ hạnh phúc hơn có nhiều khả năng trở thành người thành công. Trung bình, những người hạnh phúc thành công hơn những người không hạnh phúc ở cả công việc và tình yêu. Họ nhận được đánh giá hiệu suất công việc hiệu quả hơn, có công việc tốt và kiếm được mức lương cao hơn.
Tin vào trẻ: Việc bạn tin rằng con mình thông minh hơn mức trung bình sẽ tạo nên sự khác biệt, kể cả khi trẻ không thực sự như vậy. Nếu bạn không tin vào trẻ, con sẽ dần nghĩ rằng "những đứa trẻ như mình" sẽ không thể học tốt. Điều này có thể làm giảm hiệu quả học tập của trẻ ở trường và trẻ sẽ không có động lực để cố gắng hơn.
Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị thông minh: Trẻ không nên xem TV trước 2 tuổi. Xem TV quá nhiều sẽ khiến trẻ không thể thực hiện các hoạt động quan trọng hơn như vui chơi, giao lưu và đọc sách. Việc dành nhiều thời gian trên các thiết bị khác như điện thoại thông minh và máy tính bảng có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe, tình cảm, đặc biệt, cản trở não bộ phát triển.
Theo Zing