Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, HTX.
Theo đó, các hành vi vi phạm trong hoạt động bổ trợ tư pháp sẽ bị phạt từ mức cảnh cáo đến 80 triệu đồng. Một số hành vi bị phạt nặng gồm: làm giả giấy đăng ký hoạt động, giấy phép thành lập chi nhánh; luật sư không đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền; không có thẩm quyền công chứng mà hoạt động với danh nghĩa cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng…
Tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực hành chính tư pháp (môi giới kết hôn trái pháp luật, lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch hoặc thực hiện các mục đích trục lợi khác; đăng ký khai tử cho người còn sống…) có thể bị phạt tới 30 triệu đồng.
Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cũng sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng. Mức phạt nặng dành cho các hành vi lợi dụng việc ly hôn để vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để trốn tránh nghĩa vụ tài sản; lợi dụng việc đăng ký giám hộ để trục lợi; dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc để có sự đồng ý của người có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi…
Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, phạt đến 30 triệu đồng cho các hành vi tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án, hủy hoại tài sản đã kê biên; không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc khấu trừ tài khoản, thu hồi giấy tờ có giá…
Người nộp đơn mở thủ tục phá sản có hành vi gian dối gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, HTX; doanh nghiệp, HTX sau khi nhận quyết định mở thủ tục phá sản mà cất giấu, tẩu tán tài sản; thanh toán nợ không có bảo đảm…; doanh nghiệp, HTX bị áp dụng thủ tục thanh lý có tài sản mà vẫn thực hiện việc thanh toán các khoản nợ, hoặc thực hiện hành vi nhằm bù trừ hoặc thanh toán các khoản vay... cũng sẽ bị phạt.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11-11-2013, thay thế Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23-7-2009; Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21-11-2001; Nghị định số 10/2009/NĐ-CP ngày 6-2-2009 của Chính phủ.