Đến giờ chị Lan vẫn không hiểu vì sao em gái ruột và người chồng từng đầu ấp má kề với mình lại có thể làm một việc tày trời đến vậy.
Họ bỏ làng đi biệt xứ, nghe đâu đã có với nhau 2 mặt con. Còn chị Lan, từ đó đến nay đã hơn chục năm vẫn một mình còm cõi nuôi con khôn lớn.
Ngày đó, chị Lan sinh con gái đầu lòng. Mẹ chị có tật ở chân, đi lại khó khăn nên mọi việc chăm nom chị và đứa nhỏ đều do một tay Hoa - em gái chị đảm nhiệm. Từ nhà mẹ đẻ đến nhà của vợ chồng chị Lan chỉ chừng 2 cây số. Ban đầu, Hoa đến nhà chị gái, anh rể từ sáng sớm rồi chiều muộn lại về với mẹ. Mọi việc từ đi chợ, nấu nướng đến giặt giũ... dường như trở nên quá sức đối với một cô gái mới lớn như Hoa. Thương em gái vất vả cả ngày, chị Lan thuyết phục mẹ cho em ở hẳn nhà mình:
- Khi nào mệt, dì ấy có thể ngả lưng luôn, đỡ tội.
Được mẹ đồng ý, Hoa ở hẳn nhà chị gái. Cô được bố trí nghỉ ngơi ở tầng dưới. Mọi chuyện rắc rối cũng bắt đầu từ đây.
Thời gian ở cữ, cơ thể ngày một nở ra, đầu tóc bù xù và vì còn đau, cộng thêm việc phải thức đêm chăm con khiến chị Lan sao nhãng chuyện vợ chồng. Cảnh em gái cứ mơn mởn trước mặt anh rể hằng ngày không biết từ bao giờ đã trở thành đề tài bàn tán của những người đến thăm chị Lan. Người ta nói những lời thật khó nghe, đại loại như "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" hoặc "cẩn thận chớ có thừa"... Mỗi lần nghe vậy chị Lan chỉ chép miệng cười. Chị nghĩ chẳng bao giờ có chuyện đó. Chị với chồng yêu nhau 3 năm mới cưới. Chị tin anh không phải con người bội bạc. Hơn nữa, Hoa là em gái chị.
Một ngày nọ, nửa đêm chị bị tiếng khóc của con đánh thức. Nhìn sang chiếc giường gấp đối diện, chị không thấy chồng đâu. Thay tã cho con gái xong, linh tính thế nào, chị lọ mọ xuống phòng em gái. Mỗi bước chân đi, chị nghe tim mình càng đập mạnh. Sao bỗng chị hồi hộp thế? Có lẽ là do chị cả nghĩ!
Khuya lắm rồi mà cánh cửa phòng không đóng. Lẽ ra giờ này em gái chị phải ngủ rồi. "Sao con bé này đoảng thế? Nhà có anh rể mà nó chẳng ý tứ gì cả", chị Lan trộm nghĩ. Nhưng những điều đang diễn ra phía bên trong căn phòng đã khiến chị sụp đổ. Tối sầm mặt mũi, chị ngã quỵ xuống trước cửa phòng. Đúng lúc đứa con gái trên tầng khóc ré lên. Có lẽ cho đến lúc chết, chị cũng không thể quên hình ảnh chồng mình đang quấn chặt lấy đứa em gái chị hết mực yêu thương...
Đau lòng, giận chồng, giận cả em nhưng hơn hết, chị còn thương em hơn nữa. Hoa vừa mới lớn lên, đã hiểu gì về sự đời, lại là gái chưa chồng. Mọi thiệt thòi vẫn thuộc về Hoa. Chị tự trách mình, vì bản thân mới nên nông nỗi. Nuốt nước mắt vào trong, chị Lan dàn xếp cho em về với mẹ. Về phần chồng, chị Lan không nói nửa lời. Biết sai, anh thề thốt, van xin vợ tha thứ.
Chị cứ nghĩ giải quyết ổn thỏa, mọi chuyện rồi cũng nguôi ngoai. Nào ngờ, đến khi con gái của chị Lan tròn 1 tuổi cũng là lúc chị nghe tin em gái có thai. Tác giả của bào thai đó không ai khác chính là chồng chị. Túm cổ áo chồng, chị uất nghẹn không thành lời:
- Sao anh nỡ đối xử với chị em tôi như vậy? Cái Hoa nó là em ruột của tôi cơ mà?
Lần này, anh chồng không có biểu hiện gì ăn năn. Anh ta lạnh lùng gỡ tay chị, bỏ lên gác một mình.
Chị ôm mặt khóc rưng rức. Theo lẽ thường, chị sẽ chạy một mạch về nhà mẹ đẻ mà khóc cho thỏa. Nhưng giờ chị về đâu, khi kẻ cướp đi hạnh phúc của chị lại chính là người em gái đang ở cùng mẹ mình? Chị không dám bước ra đường. Ngoài kia, người ta đang xì xào đủ chuyện. Nào là con Lan bị em gái cướp mất chồng. Bà Thậm mẹ chị phải giải quyết thế nào giữa hai đứa con gái? Vài ngày sau, chị nghe một người họ hàng đoán già đoán non: "Cái Hoa hình như phá thai rồi thì phải. Nghe đâu mẹ mày đang phải cắt thuốc tẩm bổ cho nó lại sức". Nhưng rồi không lâu sau đó, vào một buổi tối, chị nhận được bức thư của chồng để lại. Phía dưới có cả dòng chữ của Hoa, em gái chị. Họ thú nhận sống chết không thể thiếu nhau. Họ quyết định bỏ làng, cùng nhau đi biệt xứ. Chị Lan cắn răng chấp nhận cú sốc lớn. Nhưng ngoài chị, bà Thậm cũng khổ tâm không kém. Không đau lòng sao được khi con bà đứt gánh giữa đường, mà kẻ phá hoại lại chính là đứa con khác do bà dứt ruột sinh ra.
TƯỜNG VY