Bước vào nhà, thấy mâm cơm vỡ tan tành, Nguyễn Thu Phương biết bố mẹ vừa cãi nhau, cô thản nhiên bước qua đống bát đĩa la liệt, lên phòng và đóng cửa.
Ảnh: Shutterstock
Đó là một buổi trưa năm 2016, cô gái ở quận Đống Đa vừa lên lớp 12. Phương gọi điện cho bố mẹ, không ai nhấc máy, cô giở sách vở ra học bài. Đến tối, bố về yêu cầu dọn, Phương mới xuống "xử lý chiến trường".
Ký ức đầu tiên về mâu thuẫn giữa bố mẹ là khi Phương năm tuổi. "Tôi đang ăn cơm thì thấy họ xông vào đánh nhau", cô kể và từ giây phút ấy đã đoán rằng bố mẹ mình có lẽ sẽ chia tay.
Nhà Phương từng rất giàu có nhưng năm cô tám tuổi, bố mẹ kinh doanh thất bát, gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Từ "một nàng công chúa sống trong nhung lụa", Phương rơi vào tình cảnh chỉ được mua quần áo hai lần mỗi năm, mà toàn là đồ cũ. Nhưng sự khổ cực về vật chất không ám ảnh cô bằng việc mâu thuẫn giữa bố mẹ ngày càng tăng. Họ cãi nhau về tiền và cả những thứ vụn vặt, sẵn sàng "mày tao" và dùng những lời lẽ thô tục.
"Ngày nào họ cũng chửi nhau, còn động tay động chân thì vài ba bữa một lần", Phương nói. "Không bữa cơm nào kết thúc một cách yên ổn. Nhà tôi chẳng bao giờ đi chơi hay ăn hàng cùng nhau".
Không chỉ phải chứng kiến, cô còn bị kéo vào những cuộc cãi vã bất tận và những cuộc ẩu đả của bố mẹ. Ban ngày, cô thường xuyên nhận điện thoại từ bố mẹ, người này "tố" người kia. Ban đêm, Phương lắm lần bật dậy vì nghe tiếng mẹ kêu cứu. "Mở cửa phòng đi vào, tôi thấy bố nắm tóc mẹ hoặc mẹ đang nằm trên sàn, mắt tím bầm", cô kể.
Tệ hơn, Phương bị mẹ đổ lỗi. "Một hôm, tôi bị mẹ thu điện thoại vì nghịch. Thấy khó liên lạc với con, bố đưa tôi một chiếc điện thoại khác. Mẹ biết, giận quá nên đánh tôi. Bố chứng kiến cảnh ấy thì vào đấm mẹ", cô nói. "Mẹ bảo do tôi mà mẹ bị đánh. Từ đó, cứ cãi nhau xong với bố là mẹ trút sang tôi".
"Suốt thời gian dài, tôi tự cho rằng đó là lỗi của bản thân, vì mình mà bố mẹ không hòa thuận", Phương tiếp tục.
Không khí "lạnh toát ngay giữa mùa hè" khiến cô gái không muốn về nhà. Từ cấp hai, cô thường xuyên về muộn, hay sang nhà bạn bè ăn cơm vì "bữa cơm của họ rất vui".
Có hôm, Phương nhắn tin báo đi sinh nhật bạn. Bố mẹ không đồng ý, cô vẫn đi, thầm nghĩ, "cùng lắm là bị một trận đòn". Hơn 11 giờ đêm, về đến nhà, mẹ Phương nổi giận đòi đánh cô nhưng bố cản lại. Ông hỏi: "Tại sao bố mẹ không cho con đi mà con vẫn đi?". "Vì về nhà chán lắm, chẳng có gì vui. Bố mẹ thì suốt ngày cãi nhau, con không chịu được", Phương đáp. Câu trả lời của con gái khiến ông bố im lặng.
Năm Phương lên lớp tám, bố mẹ cô hai lần định ly dị không thành. Họ lấy lý do "muốn con gái khi lấy chồng vẫn còn đủ bố mẹ" song đối với Phương, đó chỉ là cái cớ biện minh cho sự thiếu quyết tâm của cả hai bên.
Cũng vì gia đình, Phương giữ khoảng cách với mọi người, kể cả bạn bè, và học cách mặc kệ. Cảm xúc chai sạn dần, cô thậm chí không phản ứng khi gặp nhân tình của mẹ.
Giữa năm lớp 12, đang gấp rút ôn thi, Phương vẫn tiếp tục bị làm phiền bởi những cú điện thoại trách móc nhau của người lớn. Không chịu được nữa, cô nói thẳng với họ: "Nếu bố mẹ không có cách giải quyết nào tốt hơn thì ly hôn đi".
Dù khó để nói ly hôn là tốt hay xấu, Phương vẫn cảm thấy nhẹ nhõm vì bố mẹ mình cuối cùng cũng đã ly hôn. Hai tuần sau khi Phương nói chuyện, bố mẹ cô tiến hành thủ tục chia tay. Năm 2017, giải quyết xong mọi tranh chấp tài sản, họ chính thức không còn là vợ chồng. Hiện cả hai đã đi tiếp bước nữa.
Ở tuổi 22, Phương cho biết mình đang học cách yêu thương bản thân hơn. Cô học võ, cắm hoa, làm bánh và muốn học thêm đàn. "Thay vì chịu đựng những mâu thuẫn của bố mẹ, giờ đây tôi đã có thể tập trung hoàn thiện chính mình", Phương nói.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tú An (Hà Nội), những đứa con muốn bố mẹ ly hôn như Phương không ít gặp. Bà từng gặp nhiều trường hợp cả trẻ dưới 18 tuổi lẫn người trưởng thành ngoài 30 tuổi đặt câu hỏi "tại sao bố mẹ không giải thoát cho nhau".
"Tình trạng này thật ra rất phổ biến", thạc sĩ tâm lý Nguyễn Xuân Phong (Hà Nội) đồng tình. "Nó tỷ lệ thuận với hai trường hợp tưởng chừng đối nghịch nhau là những gia đình cực kỳ giàu có và những gia đình có địa vị xã hội thấp, cực kỳ nghèo khó. Hai nhóm gia đình này thường cãi vã, đánh nhau để giải tỏa xung đột".
Các chuyên gia lưu ý ly hôn chưa chắc đã là cách giải quyết tối ưu khi vợ chồng mâu thuẫn. "Ly hôn chỉ là một giải pháp. Nó mang tính triệt để và tàn nhẫn nhất với tất cả các bên do không ai có thể tính toán toàn bộ những tổn thương, thiệt hại do ly hôn đem đến. Vì thế, chỉ nên xem ly hôn như phương thức giải quyết cuối cùng khi các phương thức khác đã thất bại", thạc sĩ Phong nói.
Dù thế nào, phụ huynh cũng không nên kéo con vào chuyện người lớn bởi điều này khiến chúng tự cho rằng mình gây ra trục trặc giữa bố mẹ và chịu tổn thương không đáng có, như trường hợp Thu Phương. Chúng thậm chí gặp phải các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống sau này và cả những thế hệ tiếp theo. Thạc sĩ Xuân Phong từng gặp những người lạm dụng chất kích thích, trầm cảm do ám ảnh về những trận cãi vã của bố mẹ.
"Bố mẹ nên tập trung vào những gì mình muốn và giúp con thích nghi với sự thay đổi bằng cách lắng nghe, tôn trọng cảm xúc của trẻ. Có thể trẻ chưa đủ khả năng để hiểu nhưng vẫn đủ nhạy cảm, ý thức về những gì đang diễn ra", thạc sĩ An khuyên. "Ly hôn là quyền của mỗi người, nhưng kèm theo đó là trách nhiệm. Những lý do 'vì con' đôi khi chỉ để hạ thấp trách nhiệm của bản thân. Giả sử quyết định có sai thì lại bảo 'vì con' mà chịu đựng".
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo VnExpress