Sinh thời, nhà thơ Lưu Trọng Lư có cả thảy 8 người con, gồm 7 trai, 1 gái. Ông đặt tên gọi ở nhà cho các con là Nu, Na, Nông… cho dễ nhớ!
Sinh thời, nhà thơ Lưu Trọng Lư có cả thảy 8 người con, gồm 7 trai, 1 gái. Ông đặt tên gọi ở nhà cho các con là Nu, Na, Nông… cho dễ nhớ! Một lần dắt con đi khám bệnh, khi bác sĩ hỏi tên con thì ông luống cuống. Cực chẳng đã ông đành quay sang hỏi con: "Mi tên chi?" làm cho mọi người ở phòng khám hôm ấy rộ lên cười.
Cũng như nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà thơ Quang Dũng cũng thuộc diện đông con. Đông con, lẽ dĩ nhiên khổ về đường ăn uống đã đành mà khổ nữa là về chỗ ở. Thời bấy giờ (những năm kháng chiến chống Mỹ) nhà thơ có một cái phòng nhỏ ở phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Vì phòng chật, thành thử vào ngày hè nóng bức vợ ông lại lau sàn nhà và cứ thế vợ chồng con cái ngủ la liệt trên sàn.
Một lần, nhà thơ đi công tác chừng hai tháng, khi về đến nhà thì đã quá nửa đêm. Thế là phần vì nhớ vợ, phần vì thương con, không muốn làm các con thức giấc, ông đã thao tác hệt lính "trinh sát". Nghĩa là như ông đã vui đùa kể với một người bạn, đêm ấy ông đã phải "rón rén bò qua một trận địa con để vào với vợ".
Nhà thơ Tú Mỡ là người của "thế hệ ấy" nên ông cũng có tới 9 người con cả trai lẫn gái. Tuy nhiên, khi "số liệu" này được đưa ra với các bạn thơ thuộc Liên Xô (cũ) vào dịp Tú Mỡ sang thăm nước bạn vào năm1970 đã khiến những con người ở một đất nước mà tình trạng dân số mỗi năm một giảm ấy không khỏi kinh ngạc.
Bởi vậy khi được hỏi nhà thơ trào phúng ở Việt Nam định mua quà gì cho các cháu nội ngoại (bấy giờ tổng số là 27 đứa) thì câu trả lời của Tú Mỡ đã khiến các bạn Liên Xô lấy làm thích thú. Ông nói ngắn gọn: "Tôi sẽ mua một quả bóng" (bóng đá). Có thể nói, đây là một món quà có thể "chia" cho được nhiều người (đứa thì tham gia thi đấu, đứa thì đứng ngoài xem, cổ vũ). Thật là một cách "xử lý" khéo của nhà thơ.
NGỌC TUYỂN(st)