Bếp lạnh

19/09/2016 09:43

Từ ngày xây được ngôi nhà mới, ra ở riêng, Linh mãn nguyện lắm.



Trước kia ở với bố mẹ chồng, phải phụ thuộc đủ thứ: từ sinh hoạt ăn, ngủ đến giờ giấc làm việc, rồi ngày tuần rằm hay khi có khách khứa… Chả mấy khi Linh được làm theo ý mình mà cứ phải tuân lệnh mẹ chồng răm rắp. Ra ở riêng như con chim được tháo cũi xổ lồng, làm chủ một giang sơn nhỏ bé, Linh thấy mình như được sống ở thiên đường. Thích nhất là được một mình làm chủ phòng bếp, Linh tha hồ bày biện theo sở thích của mình mà không bị ai can thiệp.

Thời buổi công nghệ hiện đại nên Linh sắm một loạt vật dụng cần thiết, tiện lợi cho phòng bếp: từ tủ lạnh hai buồng to cao chất ngất đến lò vi sóng, lò nướng, bếp điện từ, máy khử mùi… Dù chồng góp ý nên mua bếp ga, phòng khi mất điện thì vẫn nấu được cơm mà ăn nhưng Linh gạt đi: “Mất điện thì ăn phở, lo gì hả anh”. Thế là phòng bếp nhà Linh chả thiếu thứ gì, mà thứ gì cũng hiện đại nhất.

Nhưng từ khi có phòng bếp hiện đại, Linh cũng chẳng chăm chỉ nấu ăn như hồi còn ở cùng bố mẹ chồng. Linh vốn không giỏi nấu ăn nên trước kia cũng chỉ phụ mẹ chồng chứ không được làm "bếp trưởng" bao giờ. Bây giờ, bản tính lười nhác của Linh càng được dịp phát huy. Buổi sáng, Linh không muốn dậy sớm nấu nấu nướng nướng mất thời gian nên vợ chồng con cái tùy nghi di tản. Trên đường đi làm, chồng Linh tạt vào quán ăn ven đường nào đó. Còn ba mẹ con Linh, mỗi người một hộp sữa hay nắm xôi, cái bánh mì cũng xong. Buổi trưa, hai đứa trẻ ăn bán trú ở trường. Thi thoảng chồng Linh phải đi tiếp đối tác làm ăn, Linh cũng chả muốn về nhà ăn một mình, bèn sà xuống căng tin ở cơ quan cùng ăn với mấy chị đồng nghiệp. Buổi chiều, trên đường đi làm về, Linh thường mua đồ ăn sẵn. Các quán bán đồ ăn sẵn nóng hổi nhan nhản dọc đường, vừa ngon vừa tiện, đỡ mất thời gian nấu nướng, lại có thời gian tập thể dục thẩm mỹ. Linh chất đồ ăn sẵn đầy trong tủ lạnh nên bọn trẻ đói lúc nào là tự ý mở tủ lạnh lấy đồ ăn lúc đó. Tối nào muốn thay đổi khẩu vị cho cả nhà, Linh rủ chồng đưa con đi ăn nhà hàng. Thế là cả ngày bếp nhà Linh lạnh tanh lạnh ngắt.

Mỗi dịp vợ chồng Linh dẫn các con về ăn cơm cùng ông bà nội, bọn trẻ rất hào hứng với những món bà nấu. Chúng cứ xuýt xoa khen ngon khiến mẹ chồng Linh dặn dò: “Về bảo mẹ nấu cho mà ăn nhé!”. Thằng bé cứ bô bô: “Mẹ con toàn mua đồ ăn sẵn thôi, ăn hoài cũng chán nội à”. Linh liếc mắt lườm con nhưng thằng bé không để ý, nó tiếp tục “tố” mẹ lười: “Mẹ con chỉ thích đưa cả nhà đi ăn nhà hàng thôi”. Mẹ chồng Linh xót ruột: “Tiền đâu mà ăn nhà hàng mãi được, phải tự mình nấu nướng chứ, vừa tiết kiệm vừa bảo đảm vệ sinh con à!”. Linh khẽ “Vâng, dạ”, nhưng trong bụng chỉ muốn "dạy cho thằng con một bài học". Nghĩ đi nghĩ lại, Linh thấy cũng tại mình cả. Đúng là từ khi ra ở riêng, chả mấy khi Linh nấu cho chồng con được một bữa ăn đàng hoàng.

Thi thoảng nhà có khách, Linh chạy ngay sang nhà hàng bên cạnh đặt mấy món đặc sản, vèo một tí là xong, không phải mất công chợ búa, chế biến, nấu nướng phức tạp làm mùi thức ăn ám cả vào bộ váy thơm tho, mồ hôi thì nhễ nhại. Lúc đầu chồng Linh thấy vợ thật là “nhanh trí” nhưng vài lần khách nhìn bàn ăn và hỏi: “Món tủ của vợ cậu là món nào vậy?”, thì anh nghệt mặt ra. Được bạn bè mời đến nhà ăn tiệc, khoe những món ăn do chính bàn tay khéo léo của vợ họ nấu, chồng Linh bắt đầu chạnh lòng khi nghĩ về vợ mình. Anh bắt đầu nghĩ cách để giúp vợ thay đổi, để bàn ăn của gia đình luôn luôn có những món ăn nóng hổi mà các con ưa thích do chính tay Linh nấu.

Đúng ngày sinh nhật của mình, Linh bất ngờ khi nhận được món quà chồng tặng khác hẳn mọi lần, không phải bộ đầm hay túi xách hàng hiệu, cũng không phải giầy dép, mỹ phẩm mà là một khóa học nấu ăn với lời nhắn nhủ: “Bí quyết để giữ lửa cho tổ ấm là đây”. Linh như chợt tỉnh, nhận ra bấy lâu nay mình chẳng để ý “giữ lửa” cho phòng bếp nhà mình. Linh thầm cảm ơn chồng về món quà đầy ý nghĩa và tự nhủ: “Nhất định mình không để bếp lạnh như trước nữa”.

TRẦN THỊ LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bếp lạnh