Chính phủ cho phép bệnh viện thí điểm một số cơ chế mới mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua máy độc quyền.
Kỹ sư y học vật Lý, thạc sĩ Mai Thái Học bật thử chức năng của máy Gama sau 2 năm đắp chiếu do vướng mắc về cơ chế tại Bệnh viện Bạch Mai, tháng 11/2022. Ảnh: Ngọc Thành
Ngày 4.3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/2023 về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, có hiệu lực thi hành ngay.
Trong năm 2023, Chính phủ cho phép các bệnh viện được thí điểm xây dựng giá gói thầu mua trang thiết bị. Nếu cùng chủng loại trang thiết bị nhưng có nhiều hãng sản xuất thì bệnh viện giao Hội đồng khoa học xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn và lấy báo giá theo quy định.
Một trong những căn cứ để xác định giá gói thầu là giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp. Chủ đầu tư gửi thông báo mời chào lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (dmec.moh.gov.vn), trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc hình thức khác trong 10 ngày. Hết thời gian thông báo mời chào giá, chủ đầu tư căn cứ vào số báo giá nhận được để xây dựng giá gói thầu.
Nếu chỉ có một hoặc hai nhà phân phối hoặc doanh nghiệp cung cấp báo giá, bệnh viện được sử dụng các báo giá đã nhận được để xây dựng giá gói thầu.
Chính phủ cũng cho phép bệnh viện được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối với trường hợp chỉ có một nhà (máy độc quyền) hoặc để đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ đơn vị khác. Giá gói thầu được xác định dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư.
Ngoài ra, kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp thẩm định giá theo Luật Giá; giá trúng thầu của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tương tự gần nhất, tối đa không quá 120 ngày, cũng là một trong những căn cứ để bệnh viện xác định giá gói thầu mua máy. Nếu gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt, chủ đầu tư ghi rõ giá cho từng phần.
Các cơ sở y tế được phép sử dụng trang thiết bị do cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tặng, tài trợ (gồm trang thiết bị liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng), nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Bệnh viện được dùng kinh phí của mình để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa các loại máy này.
Theo quy định trước đây, bệnh viện phải tham khảo ba báo giá khi đấu thầu trang thiết bị y tế. Đây là một trong những điểm nghẽn khiến nhiều bệnh viện không mua, không sửa được máy móc hiện đại. Tháng 10.2022, thảo luận tại tổ ở Quốc hội, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trăn trở không biết mua sắm máy móc thế nào cho đúng khi máy cao cấp chỉ có một hãng độc quyền, không có giá khác nhau để tham khảo. Theo quy định mới, nút thắt "ba báo giá" đã được Chính phủ tháo gỡ.
Nghị quyết 30 cũng sửa quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể, với các hợp đồng ký trước 5.11.2022, việc thanh toán thực hiện theo thời hạn hợp đồng; với hợp đồng ký từ 5.11.2022 sẽ thanh toán đến khi có văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này, bao gồm cả hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp. Trong cả hai trường hợp, nếu hết hạn hợp đồng, việc thanh toán sẽ đến khi hết vật tư, hóa chất đã mua.
Chính phủ quy định, nếu chủ đầu tư ghi trong hồ sơ mời thầu yêu cầu đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng kèm theo, thì đơn vị trúng thầu phải thực hiện. Chi phí khám chữa bệnh các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất, được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Trường hợp hết thời hạn hợp đồng thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.
Bộ Y tế được giao xây dựng, ban hành hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế, hoàn thành trong quý II.2023. Bộ sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đầu thầu tập trung quốc gia, địa phương đảm bảo phù hợp với năng lực từng cấp và khả năng cung ứng của doanh nghiệp, cung ứng đủ, kịp thời thuốc cho khám chữa bệnh, hoàn thành trong quý III.2023.
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, ba văn bản đang được gấp rút sửa đổi, gồm: Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết 144 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thông tư 15 của Bộ Y tế quy định về việc đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập.
Trong hai ngày 3-4.3, Chính phủ đã ban hành các văn bản mới sửa đổi Nghị định 98 và Nghị quyết 144. Một văn bản còn lại, Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ để sớm ban hành.
Theo VnExpress