Vì thành tích, vì cái mác “có tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường THPT công lập cao nhất” mà nhiều trường THCS muốn chặn đường thi vào lớp 10 của những học sinh được cho là có học lực trung bình?
Tối 19.4, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin lan truyền từ một group phụ huynh ở một trường THCS quận Cầu Giấy (Hà Nội) về nhiều trường hợp học sinh được giáo viên chủ nhiệm gặp riêng gia đình để khuyên ký cam kết không cho con thi vào lớp 10. Lý do vì học sinh có lực học trung bình, không thể thi đỗ lớp 10 THPT công lập. Câu chuyện khiến dư luận dậy sóng.
Dư luận càng bức xúc hơn khi trong group, phụ huynh cho biết, họ còn được giáo viên nhắc khéo nếu con cố tình thi lớp 10 sẽ không được xét tốt nghiệp THCS. Ngược lại, nếu con đồng ý học trường THPT tư thục hay trường nghề, con sẽ được nâng đỡ để đạt học sinh tiên tiến, có học bạ đẹp để xét tuyển.
Ngay trong sáng 20.4, Sở GD-ĐT Hà Nội nhanh chóng vào cuộc xác minh. Cùng ngày, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo “nóng” các đơn vị chức năng phải xác minh làm rõ thông tin. Nếu có tình trạng này sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm. Thậm chí Bộ GD-ĐT còn công bố email, đường dây "nóng" để phụ huynh có thể gửi thông tin về cơ quan Bộ.
Mọi quan tâm đổ dồn vào hai trường THCS Nghĩa Tân và Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) là hai ngôi trường được nhắc đến trong group trao đổi của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, xác nhận trước báo giới, đại diện của cả hai ngôi trường này đều khẳng định không hề tổ chức họp với phụ huynh, học sinh có học lực yếu, kém để bàn chuyện tương tự.
Thậm chí, lãnh đạo trường THCS Dịch Vọng còn đề nghị UBND quận, Phòng GD-ĐT xác minh thông tin đăng trên mạng xã hội phản ánh về việc nhà trường ép học sinh học lực yếu không được thi vào lớp 10. Nếu thực có giáo viên nào của trường đề nghị như vậy thì nhà trường sẵn sàng kỷ luật nghiêm.
Việc xác minh sự việc đúng, sai có thể có nhiều khó khăn, bởi vì nhiều lý do khác nhau, phụ huynh có thể sẽ chọn im lặng, không lên tiếng.
Điều đáng nói là, việc học sinh cuối cấp THCS có học lực trung bình được giáo viên, được nhà trường gợi ý hoặc yêu cầu không thi vào lớp 10 THPT công lập mà chuyển sang học các trường ngoài công lập hoặc theo học Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp... đã râm ran trong dư luận xã hội từ nhiều năm nay.
Tại sao nhiều trường học lại muốn “chặn đường” thi vào lớp 10 THPT đối với các học sinh được cho là có học lực trung bình hay sức học không tốt? Vì chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS hay vì bảng thành tích vàng có tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường THPT công lập chiếm áp đảo?
Thực tế, nếu vì chỉ tiêu học sinh đi học nghề sau THCS thì việc gợi ý hay ép buộc ấy trở nên thừa thãi. Bởi nếu học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT công lập (vốn chỉ đủ chỗ cho khoảng 70% tổng số học sinh), các em sẽ có những lựa chọn riêng của mình.
Vậy chỉ có thể là thành tích, chỉ tiêu, là thứ hạng trên bảng thành tích của ngành về những trường học có tỉ lệ học sinh trúng tuyển THPT công lập cao nhất, là sự cạnh tranh "vị trí" của giáo viên trong trường phổ thông...
Còn nhớ, cách đây mấy năm, một giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp 9 ở một trường THCS có chia sẻ, mỗi mùa thi vào lớp 10, họ phải chịu rất nhiều áp lực. Phòng Giáo dục thì giao chỉ tiêu cho trường, trường lại giao chỉ tiêu xuống cho giáo viên về tỉ lệ học sinh trúng tuyển.
Để đảm bảo thành tích và chỗ đứng ở khối lớp 9, giáo viên sẽ phải “sàng lọc” ngay từ đầu, đưa ra “gợi ý”, thậm chí không ngại ép học sinh có học lực trung bình không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Bởi tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường THPT công lập thường được tính trên tổng số thí sinh dự thi chứ không phải là trên tổng số học sinh cuối cấp.
Giờ thì chúng ta hiểu vì sao sau mỗi mùa tuyển sinh vào lớp 10 THPT, trên mạng xã hội hay tại các hội nghị tổng kết năm học, các hiệu trưởng trường THCS thay nhau khoe bảng thành tích “vàng” của trường mình với cấp trên. Và có thể, từ vị trí xếp hạng ấy, không chỉ trường học mà vị trí hiệu trưởng cũng “thăng hạng”!
Chặn đường thi vào lớp 10 của học sinh, bệnh thành tích của ngành giáo dục nhức nhối đến thế sao?.
Theo VOV