Bệnh hô hấp trở nặng vào mùa đông

25/12/2020 08:59

Viêm họng, viêm mũi dị ứng tấn công, hen suyễn và phổi tắc nghẽn mạn tính trở nặng ở người cao tuổi trong mùa lạnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hô hấp dị ứng, Bệnh viện Hữu nghị, thời tiết thay đổi đột ngột, biên độ nhiệt cao giữa ngày và đêm vào mùa đông. Thời tiết thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh, ví dụ cúm, vi khuẩn liên cầu, phế cầu, tụ cầu, phát triển. Vì vậy, người cao tuổi dễ mắc bệnh do cơ thể đã lão hóa, hệ tiêu hóa, miễn dịch và quá trình trao đổi chất đều suy giảm.

Trong đó, có 4 bệnh đường hô hấp thường gặp nhất gồm viêm họng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn trở nặng, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Viêm họng mạn tính khiến người cao tuổi luôn mệt mỏi kèm các triệu chứng như ho, đau rát họng, đôi khi ho khan hoặc ho có đờm, đờm có lẫn máu do tổn thương một số mạch máu nhỏ ở đường hô hấp trên. Viêm mũi dị ứng khiến các chức năng của mũi bị ảnh hưởng, người cao tuổi khó chịu, không thoải mái, tâm lý bi quan và dễ dẫn đến viêm mũi mạn tính.

Bệnh hen suyễn cũng thường xuyên gặp ở người già, trở nặng vào mùa lạnh. Không khí ô nhiễm như bụi mịn, bụi đường, khói công nghiệp, khói than còn khiến người già có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trở nặng hơn.

Bác sĩ Sơn khám cho người già mắc bệnh đường hô hấp. Ảnh: Chi Lê
Bác sĩ Sơn khám cho người già mắc bệnh đường hô hấp

Theo bác sĩ Sơn, có nhiều cách để phòng các bệnh đường hô hấp ở người cao tuổi. Người già không nên hút thuốc lá, thuốc lào, cần mặc ấm, ngủ ấm. Nhiệt độ trong nhà không để quá lạnh, tránh gió lùa vào phòng. Trước khi ra ngoài, người cao tuổi cần nghỉ ngơi khoảng 5-10 phút để làm quen với nhiệt độ, không đột ngột ra ngoài, tránh mắc bệnh.

Bác sĩ Sơn cho biết hệ hô hấp, trong đó có mũi, chức năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Không khí đi vào mũi sẽ được sưởi ấm và làm sạch bởi hệ thống cuốn mũi trước khi vào phổi. Tuy nhiên, hệ thống này ở người lớn tuổi sẽ kém nhạy bén hơn nên họ cần mặc ấm trước khi ra đường. Người cao tuổi cũng cần tránh mặc quá nhiều quần áo, gây khó khăn khi cử động, ngại vận động và có thể làm ra mồ hôi gây nhiễm lạnh.

Người cao tuổi không nên ra đường quá sớm. Ví dụ, hạn chế thói quen đi tập thể dục sớm lúc 4-5h sáng do trời chưa tan sương, nhiệt độ thấp, dễ gây bệnh, cảm lạnh, đột quỵ... Nên chờ đến khi nắng lên để tập thể dục hoặc tập thể dục trong phòng.

Bác sĩ Sơn lưu ý người cao tuổi cần vệ sinh cá nhân, giữ đường hô hấp sạch sẽ, làm sạch mũi hàng ngày, đeo khẩu trang khi đi đường để tránh bụi, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá... Các biện pháp này giúp giảm nguy cơ viêm đường hô hấp. Người già không nên đến chỗ đông người, dễ bị lây bệnh khi không thực sự cần thiết.

Người già dễ quên uống thuốc hoặc bỏ thuốc do trí nhớ kém. Vì vậy, gia đình cần chú ý và nhắc nhở người cao tuổi sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh hô hấp trở nặng vào mùa đông