Thuộc dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, hầm Thần Vũ dài hơn một km, vốn đầu tư 1.350 tỷ đồng, là hầm xuyên núi có địa chất phức tạp nhất cao tốc Bắc Nam.
Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam, đi qua dãy núi Thần Vũ, do Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng cùng liên danh các nhà đầu tư là nhà thầu thi công.
Theo thiết kế, có hai hầm, trong đó hầm trái dài 1.087, hầm phải dài 1,13 km, phía bắc ở xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, phía nam ở xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc. Chiều rộng mỗi hầm 13,8 m, khoảng cách hai tim hầm 45 m.
Hầm bên phải sẽ phục vụ giai đoạn một của dự án, hầm bên trái dành cho phần mở rộng cao tốc trong giai đoạn hai.
Hôm 9/10, sau khi phía bắc đào được 748 m, phía nam hơn 350 m, nhà thầu đã nổ mìn hợp long, gia cố phần vòm cho chắc chắn, sau đó bốc xúc các khối đất đá còn lại để thông tuyến.
Ông Võ Sơn Hải, Chỉ huy trưởng thi công bắc hầm Thần Vũ, Công ty TNHH Hòa Hiệp, cho biết cơ quan chuyên môn đánh giá hầm có địa hình, địa chất phức tạp nhất trong số hầm xuyên núi trên cao tốc Bắc Nam.
Hầm nằm ở lưng chừng núi chứ không phải ở chân núi như các hầm khác. Hầm bên trái nằm cạnh khe suối, có nhiều mạch nước ngầm. Khu vực này địa chất yếu, đá phong hóa mạnh, rời rạc. Phía nam hầm toàn đất chứ không phải đá, sai khác với hồ sơ thiết kế ban đầu.
"Quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn, nhất là lúc làm từ hai mũi phía nam hầm đến gần vị trí hợp long thì gặp phải đới địa chất yếu, nếu không thận trọng rất dễ xảy ra sự cố sạt trượt", ông Hải nói.
Để gia cố vòm hầm, công nhân đóng ống neo tạo ô xử lý sạt trượt. Theo ông Hải, thiết kế ban đầu chỉ đóng ống neo ngoài cửa hầm, song thực tế quá trình đào xảy ra nhiều sạt trượt nên phải đóng tại nhiều vị trí bên trong, đảm bảo sự chắc chắn cho toàn công trình.
Hầm thiết kế vĩnh cửu, vỏ bêtông cốt thép, thi công theo công nghệ của Áo. Bên trong hầm tối, hệ thống đèn chiếu sáng được bật thường xuyên để công nhân làm việc.
Cũng theo Chỉ huy trưởng thi công bắc hầm Thần Vũ, đầu tháng 9, bên trong hầm phải bị sạt trượt, hàng trăm khối đất đá tràn xuống. Xuyên suốt cả quá trình thi công, sự cố tương tự nhiều lần xảy ra làm đội chi phí, có lúc phải mất hơn một tháng để xử lý.
Mỗi lần sạt trượt, các kỹ sư, công nhân phải điều máy móc phun bêtông bịt kín toàn bộ vị trí sạt, sau đó đóng ống, bơm xi măng vào để biến toàn bộ khối rời thành một khối đá nhân tạo, sau đó mới đào tiếp.
Nhiều vị trí trong hầm được đặt thiết bị quan trắc chuyển vị, nhằm theo dõi công trình có dịch chuyển hay gặp sự cố gì không. Nếu phát hiện dấu hiệu lún hay sạt trượt, nhà thầu phải lập tức có biện pháp xử lý.
Sau lễ thông hầm chiều 14/10, hơn 16h cùng ngày, ôtô đã chạy thông từ phía nam hầm ở huyện Nghi Lộc ra phía bắc hầm ở huyện Diễn Châu.
Ông Trương Đức Liên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng, cho biết việc thông hầm có ý nghĩa quan trọng. Sau thời điểm này, công tác điều phối nhân sự, phương tiện, vật tư, vật liệu có thể đi xuyên qua hầm mà không phải di chuyển bằng đường công vụ, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công hầm Thần Vũ cũng như toàn dự án.
Hệ thống giá làm thép và cốp pha được sử dụng để thi công bêtông phần vỏ sau khi thông hầm.
Song song với hầm bên phải, hầm trái Thần Vũ dài 1.087 m thời điểm này đang thi công đào. Bên trong hầm rất kín, doanh nghiệp dự án đã bố trí ngoài cửa một quạt gió công suất lớn để cung cấp không khí sạch, giúp cán bộ, công nhân làm việc được an toàn.
Tính từ bắc vào nam, trước hầm Thần Vũ có 2 cầu cạn là Xuân Dương 1 và Xuân Dương, mỗi cầu 20-22 nhịp, dài 800-880 m.
Sau hầm có 3 cầu gồm Thần vũ 1, Thần Vũ 2 và Ô Ồ, trong đó cầu Thần Vũ 2 được thiết kế 32 nhịp, dài gần 1.300 m, một số trụ cao tới 50 m. Để làm cầu, một số vị trí đơn vị thi công đã phải san cả vạt đồi. "Các cầu có trụ cao 30-50 m, đều thuộc cấp đặc biệt", ông Liên nói.
Nằm trong cao tốc Bắc Nam, đường Diễn Châu - Bãi Vọt dài khoảng 50 km, đi qua hai tỉnh Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km). Công trình được khởi công tháng 5/2021, dự kiến hoàn thành tháng 5/2024. Để phù hợp với nhu cầu vận tải, giai đoạn một của dự án quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước tham gia hơn 6.060 tỷ đồng. Hợp đồng BOT ký giữa Bộ Giao thông Vận tải với liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Đầu tư Xây dựng VINA2 và Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án).
Theo VnExpress