Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm vừa ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến điều phối vật liệu khai thác từ nền đào để đắp trong phạm vi dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2).
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cho hay, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022, có chiều dài 721,2 km được chia thành 12 dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản và giao cho 7 Ban quản lý dự án thuộc Bộ làm chủ đầu tư.
Trong quá trình triển khai, tại một số dự án thành phần thừa khối lượng đất đào nền đường, phải vận chuyển đổ đi (dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh, Quy Nhơn - Chí Thạnh…), trong khi đó một số dự án thành phần không đủ vật liệu đắp nền đường khi điều phối từ nền đào nên phải khai thác đất tại các mỏ về để đắp (dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ, Chí Thạnh - Vân Phong…). Do vậy, các chủ đầu tư đã có kế hoạch điều phối vật liệu đất từ nền đào để tận dụng đắp nền đường giữa các dự án thành phần, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công do không phải làm các thủ tục cấp phép, khai thác từ mỏ mới, giảm khối lượng đổ thải và tiết kiệm chi phí.
“Để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công việc nêu trên, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về việc tận dụng, điều phối vật liệu đất đào nền để đắp giữa các dự án thành phần là hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, sớm có ý kiến để tạo điều kiện cho việc triển khai Dự án bảo đảm tiến độ yêu cầu”, văn bản Bộ Giao thông vận tải nêu.
Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) cho hay, phải hiểu rằng 12 dự án thành phần giai đoạn 2 đang triển khai là cùng một dự án ( Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025) với cùng một cơ chế, chính sách được quy định trong các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, thì việc điều phối nguồn vật liệu trong các dự án sẽ được thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều địa phương hiện nay còn hiểu mỗi dự án thành phần là một dự án riêng biệt, do đó việc điều phối sẽ rất khó khăn.
Là một trong những dự án thành phần đang đề nghị điều phối nguồn đất từ dự án thành phần khác, đại diện Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư) cho biết đã có văn bản đề nghị với Bộ Giao thông vận tải điều phối nguồn đất thừa (khoảng 200.000 m3) tại dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh kế cận cũng thuộc tỉnh Phú Yên sang gói XL1 dự án Chí Thạnh - Vân Phong trên cùng địa bàn.
Cũng theo đại diện Ban Quản lý dự án 7, sở dĩ có đề nghị trên là vì gói thầu XL1 nằm kế ngay dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh nên việc điều phối đất sẽ thuận lợi về cự ly cũng như chi phí vận chuyển.
Ông Lưu Thanh Quang, cán bộ Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (một trong những nhà thầu thi công gói XL1) cho hay, hiện phần thi công của nhà thầu đang đảm nhiệm thiếu khoảng 100.000 m3 nên cũng đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn.
Về tiến độ thi công của dự án Chí Thạnh - Vân Phong, Ban Quản lý dự án 7 cho hay, các nhà thầu đã huy động 42 mũi thi công với 394 máy móc, thiết bị với cả nghìn công nhân. Tuy nhiên, việc triển khai trên tuyến còn chậm.
Cũng theo Ban Quản lý dự án 7, địa phương đã bàn giao hơn 96,4%. Tuy nhiên thực tế nhà thầu tiếp cận để thi công được khoảng hơn 90%, mặt bằng còn xen kẽ, không liên tục. Nguyên nhân chủ yếu là đất chưa quy chủ, việc phê duyệt chi trả chậm và một số ít có khiếu nại về đơn giá, số liệu kiểm đếm đền bù... Tập trung nhiều nhất là thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An. Về xây dựng các khu tái định cư kéo dài. Đặc biệt việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật chậm, chưa đáp ứng tiến độ thi công của dự án.
Hiện nay nhà thầu cũng đang gặp khó khăn về thỏa thuận giá thuê đất với hộ dân đối với các bãi thải không phải đất công. Một số vị trí được tỉnh quy hoạch làm bãi thải thì đường tiếp cận rất khó khăn, không đảm bảo tiến độ vận chuyển đổ thải.
Do đó, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị các địa phương xử lý dứt điểm các vị trí mặt bằng "xôi đỗ", các vị trí đào phá đồi đất, đá để khai thác vật liệu đắp tận dụng nền đường, phạm vi xử lý nền đất yếu, vị trí cầu.
Cùng với đó, địa phương cần sớm hoàn thiện các khu tái định cư, sớm bố trí người dân vào ở để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Ngoài ra, các địa phương sớm di dời hệ thống điện cao thế, trung hạ thế. Đặc biệt ưu tiên các vị trí thi công cầu, xử lý nền đất yếu. Chủ đầu tư cũng đã đề nghị các nhà thầu trên tuyến tăng mũi để đảm bảo thi công dự án đúng tiến độ.
Đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên cho biết, đối với điểm nghẽn vướng kết cấu hạ tầng chủ yếu là lưới điện, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương di dời các vị trí ảnh hưởng trực tiếp đến thi công trước. Đảm bảo trong tháng 10/2023 sẽ di dời những vị trí ảnh hưởng trực tiếp trong thi công. Tỉnh cũng đang tập trung giải quyết các vướng mắc về hạ tầng, nguồn vật liệu. Đối với các khu tái định cư, các địa phương phải hoàn thành vào cuối tháng 9 năm nay để bố trí đất cho bà con làm nhà, bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư.
Theo báo Tin tức