Ngày 16.12, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Diệp Dũng - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op).
Ông Diệp Dũng
Theo cơ quan điều tra, trong quá trình xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm theo kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh về việc chấp hành quy định pháp luật tại Saigon Co.op, ngày 16-12, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và khám xét nơi ở, nơi làm việc với ông Diệp Dũng về tội “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam.
Quá trình khám xét, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ một số tài liệu phục vụ công tác điều tra. Các quyết định, lệnh của cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh phê chuẩn.
Ghi nhận tại trụ sở Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1) sáng cùng ngày, có xe ôtô biển xanh của cơ quan chức năng đến rồi rời đi trong thời gian ngắn.
Trước đó, ngày 30-7, Ban thường vụ Thành ủy đã kỷ luật đình chỉ sinh hoạt cấp ủy tại Saigon Co.op đối với ông Diệp Dũng.
Ban thường vụ Thành ủy xác định với vai trò của mình tại Saigon Co.op, ông Diệp Dũng đã tổ chức chỉ đạo huy động vốn trái pháp luật, tổ chức đại hội thường niên trái pháp luật, thực hiện công tác cán bộ trái quy định của Đảng và không trung thực với tổ chức khi có yêu cầu báo cáo.
Sau đó, tháng 9-2020, Ban thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh điều động ông Diệp Dũng đến nhận công tác tại Đảng bộ Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC).
Ông Diệp Dũng được Thành ủy chỉ định tham gia ban chấp hành Đảng bộ, ban thường vụ Đảng ủy, giữ chức bí thư Đảng ủy Saigon Co.op nhiệm kỳ 2015-2020 và giới thiệu bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Saigon Co.op từ cuối tháng 8.2015.
Trước khi chuyển công tác về Saigon Co.op, ông Diệp Dũng là thành ủy viên, phó bí thư đảng ủy, tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh, từng đảm nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận.
Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1, TP Hồ Chí Minh
Liên quan sai phạm của ông Diệp Dũng, ngày 27.7 Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã công bố kết luận thanh tra về các sai phạm tại Saigon Co.op.
Theo Thanh tra TP Hồ Chí Minh, Saigon Co.op là tổ chức kinh tế, hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012. Ban chấp hành Đảng bộ Saigon Co.op trực thuộc Thành ủy. Bí thư, chủ tịch HĐQT Saigon Co.op được Thành ủy giới thiệu để đại hội thành viên của Saigon Co.op bầu.
Tháng 8-2015, ông Diệp Dũng được bầu làm chủ tịch HĐQT của Saigon Co.op.
Vốn của Saigon Co.op do Nhà nước hỗ trợ và vốn góp của HTX thành viên.
Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu bất thường trong việc tăng vốn từ các HTX thành viên.
Cụ thể, HTX thương mại dịch vụ Linh Tây báo lỗ gần 49 triệu đồng nhưng số vốn góp đến hơn 950 tỉ đồng, HTX thương mại Đô Thành lỗ hơn 721 triệu đồng nhưng góp gần 250 tỉ đồng, HTX thương mại Thị Nghè lỗ hơn 163 triệu đồng nhưng góp gần 245 tỉ đồng...
Thanh tra thành phố xác định có 20/26 HTX thành viên có góp vốn nhưng không HTX nào cung cấp được cho đoàn thanh tra các hồ sơ góp vốn.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op được duy trì ổn định qua các năm, dao động 800 - 1.500 tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận tại Saigon Co.op đạt đến 26 - 39% trên vốn góp.
Theo Thanh tra thành phố, có nhiều cá nhân, tổ chức bên ngoài, không phải là xã viên HTX thành viên nhưng "núp bóng" để đưa vốn vào Saigon Co.op.
Trong khi theo quy định về phương thức huy động vốn (tại nghị quyết đại hội thành viên bất thường lần 1 năm 2020) thì vốn huy động từ các HTX thành viên không được từ nguồn đi vay hoặc từ nguồn vốn của đối thủ cạnh tranh.
Thanh tra cho rằng HĐQT Saigon Co.op đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn trong việc kiểm tra nguồn vốn huy động từ các HTX thành viên.
Kết luận của thanh tra chỉ rõ việc tăng vốn điều lệ tại Saigon Co.op không đúng quy định pháp luật, có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung; có dấu hiệu phạm pháp hình sự.
Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (điều 357, Bộ luật hình sự 2015)
Điều 357, Bộ luật hình sự 2015 quy định tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ như sau:
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị phạt tù 1 - 7 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt tù 5 - 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, bị phạt tù 10 - 15 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên bị phạt tù 15 - 20 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định 1 - 5 năm có thể bị phạt tiền 10.000.000 - 100.000.000 đồng.
Như vậy tội làm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình, làm trái công vụ gây thiệt hại cho nhà nước, cá nhân, tổ chức khác.
Theo Tuổi trẻ