Chương trình Lương thực thế giới nhấn mạnh bạo lực lan tràn tại Haiti khiến các nhân viên cứu trợ không tiếp cận được những cộng đồng dân cư đang cần giúp đỡ trong bối cảnh nạn đói trầm trọng.
Ngày 12/3, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo Haiti đang trên bờ vực khủng hoảng lương thực trầm trọng, trong bối cảnh Thủ tướng Ariel Henry chính thức đệ đơn từ chức trong khi các nhóm vũ trang kiểm soát thủ đô Port-au-Prince.
Bà Cindy McCain, Giám đốc điều hành WFP nhấn mạnh bạo lực lan tràn khiến các nhân viên cứu trợ không tiếp cận được những cộng đồng dân cư đang cần giúp đỡ.
Trong khi đó, nguồn viện trợ tài chính cho Haiti đang cạn kiệt. Hiện mới chỉ huy động được 2% trong tổng số tiền 674 triệu USD mà Liên hợp quốc đề ra theo kế hoạch nhằm trợ giúp Haiti.
Bà McCain cho biết thêm rằng ban đầu WFP và các đối tác hỗ trợ cho những người mới di dời tại Haiti mỗi ngày 2.000 bữa ăn, nhưng đến nay đã tăng lên gần 14.000.
Cùng ngày, người đứng đầu Văn phòng WFP tại Haiti, ông Jean-Martin Bauer, cảnh báo nạn đói đang hiện hữu ở quốc gia này, đặc biệt mức độ tại thủ đô Port-au-Prince tương đương các vùng chiến sự trên thế giới.
Theo ông, Haiti là một trong những nơi phải đối mặt với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng nhất thế giới.
4 triệu người phải đối mặt với tình trạng "mất an ninh lương thực trầm trọng" và khoảng 1,4 triệu người trong số đó đang ở sát ngưỡng lâm vào nạn đói.
Ông Martin Bauer cũng cảnh báo sự gia tăng bạo lực băng nhóm gần đây đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và khiến thêm 15.000 người ở thủ đô Port-au-Prince phải chạy nạn chỉ trong cuối tuần đầu tiên của tháng 3.
Tổng số người phải di tản ở Haiti - đất nước hơn 11 triệu dân - lên tới hơn 360.000 người, 50% trong đó là trẻ em.
Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hiệp quốc đánh giá tình trạng thiếu hàng hóa và nguồn lực ở Haiti ngày một trầm trọng khi nền kinh tế nước này vốn đã ở trong tình trạng bấp bênh.
Ông Dujarric nhấn mạnh Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên liên quan ở Haiti hành động có trách nhiệm, đồng thời đánh giá cao việc Cộng đồng Caribe (CARICOM) cùng các đối tác đã nỗ lực thúc đẩy một giải pháp giúp xử lý khủng hoảng chính trị ở Haiti thông qua một thỏa thuận công bằng, nổi bật là việc chỉ định Thủ tướng tạm quyền.
Liên quan tình hình Haiti, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller bày tỏ tin tưởng Haiti sẽ thành lập Hội đồng chuyển tiếp trong khoảng từ 24 đến 48 giờ tới và hội đồng này sẽ đồng ý bổ nhiệm thủ tướng mới sau khi Thủ tướng Ariel Henry từ chức.
Cùng ngày, Kenya tuyên bố hoãn triển khai 1.000 cảnh sát đến hỗ trợ Haiti do lo ngại khoảng trống quyền lực tại quốc gia Caribe này sau động thái từ chức của Thủ tướng Henry.
Bộ trưởng Ngoại giao Keyna Korir Sing'Oei cho rằng tình hình Haiti đã thay đổi “đáng kể” sau tuyên bố của ông Henry.
TB (theo TTXVN)