Nghiên cứu mới nhất của BambooHR cho thấy mức độ hạnh phúc của người lao động toàn cầu giảm đều từ năm 2020 và mạnh nhất từ đầu năm nay.
BambooHR - nền tảng tuyển dụng nhân sự toàn cầu, đã phân tích dữ liệu từ gần 60.000 nhân sự của 1.600 doanh nghiệp từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2023.
"Nhân viên không vui cũng chẳng buồn, thay vào đó, họ thể hiện cảm giác cam chịu hoặc thậm chí thờ ơ", báo cáo viết. "Hầu hết chấp nhận rằng tinh thần ngày càng tồi tệ hơn".
Dù ngày càng nhiều công ty nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của cân bằng công việc - cuộc sống và bổ sung các chính sách như kéo dài thời gian nghỉ, làm việc từ xa nhưng dường như nó chưa thể giúp cải thiện tình trạng này.
Theo nghiên cứu, nguyên nhân lớn nhất gây bất mãn là đối xử không công bằng tại nơi làm việc, lương thưởng không nhất quán, thiếu sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và sếp, khối lượng làm việc bất hợp lý.
Srikumar Rao, tác giả cuốn "Happiness at Work" (Hạnh phúc chốn công sở), chia sẻ lời phàn nàn ông thường nghe nhất là "thiếu kiểm soát". Dịch bệnh cho thấy chúng ta kiểm soát cuộc sống và sự nghiệp của chính mình ít đến mức nào. Vì vậy, rất khó để trở nên bình yên khi nhận ra điều đó, ông nói.
Lạm phát, sa thải diện rộng, chính sách quay lại văn phòng bất ổn, tất cả đều gây rắc rối cho nhân viên và tạo ra "cảm giác khó chịu sâu sắc" tại nơi làm việc, theo Jenn Lim, CEO hãng tư vấn tổ chức Delivering Happiness.
Từ đầu năm 2023, khoảng 3/4 người trưởng thành thừa nhận cảm thấy lo lắng về nền kinh tế, trong khi gần một nửa lo ngại về sự mất cân bằng giữa cuộc sống - công việc, theo khảo sát hơn 1.000 người lớn của Harris Poll (công ty con của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen).
Một yếu tố khác dẫn đến sự bất mãn của nhân viên là thiết kết nối với vị trí của họ. Emily Liou, cố vấn hạnh phúc sự nghiệp, cựu chuyên gia tuyển dụng, chia sẻ, đã có sự chuyển dịch thực sự trong cách mọi người nhìn nhận sự nghiệp sau dịch Covid-19 và cuộc đại khủng hoảng lao động.
"Tôi không còn nghe nhiều người nói 'tôi muốn kiếm nhiều tiền hơn' hay 'tôi muốn leo lên nấc thang lãnh đạo' nữa. Bây giờ, ‘tôi muốn cảm thấy gắn bó với hơn với công việc’ hay ‘tôi muốn hào hơn với những việc đang làm’ phổ biến hơn", Liou tiết lộ.
Nghiên cứu mới của Gallup cho thấy người làm việc từ xa đặc biệt thấy mất kết nối với sứ mệnh và mục đích của doanh nghiệp. Việc này có thể gây bất lợi cho hạnh phúc và hiệu suất nói chung của họ.
Theo nhà tâm lý học Adam Grant, những nhân viên thấu hiểu ý nghĩa, tác động tích cực của công việc không chỉ vui vẻ hơn mà còn năng suất hơn. Ngoài ra, họ cũng có xu hướng được tăng lương, thăng chức hơn so với nhóm còn lại.
Tập trung vào sự gắn bó và thỏa mãn của nhân sự không chỉ quan trọng với sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc mà nó còn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
Gallup phát hiện những doanh nghiệp có nhân viên gắn bó hơn sẽ thu về lợi nhuận cao hơn, tỷ lệ nhảy việc và vắng mặt thấp hơn. Thực tế, báo cáo của Gallup nêu kinh tế thế giới ước tính thiệt hại 8,8 nghìn tỷ USD, tương đương 9% GDP toàn cầu nếu nhân viên bất mãn.
Theo Lim, các ông chủ không cần tốn quá nhiều tiền bạc và công sức để tạo động lực cho nhân viên. Chỉ cần tạo được môi trường mà họ cảm thấy họ gắn bó, được lắng nghe, thấu hiểu.
"Không cần phải khắc phục vấn đề của tất cả mọi người trong một ngày, chỉ cần đặt mục tiêu có được cuộc trò chuyện ý nghĩa hay gặp mặt những người mà bạn quản lý tuần một lần cũng tạo ra sự khác biệt lớn", bà đưa ra lời khuyên.
Theo VnExpress