Bất đồng hiếm hoi trong quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn

21/11/2019 14:20

Hàn Quốc và Mỹ ngày 19.11 đã không đạt được tiến triển trong vòng đàm phán mới nhất về chia sẻ chi phí quân sự "như kế hoạch".

Đây được xem là bất đồng hiếm thấy trong quan hệ đồng minh giữa Seoul và Washington.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in

Chưa tìm được tiếng nói chung

Trong bối cảnh Washington thời gian gần đây liên tục gia tăng áp lực để Seoul chấp nhận chia sẻ một phần chi phí lớn hơn cho Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) với khoảng 28.500 binh sĩ, vòng đàm phán mới nhất ngày 19.11 về chia sẻ chi phí quân sự giữa hai nước đã thất bại.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Mỹ duy trì quan điểm rằng tỷ lệ chi phí quân sự nên tăng mạnh bằng cách thiết lập một điều khoản mới (trong thỏa thuận chia sẻ chi phí).

Trong khi đó, phía Hàn Quốc giữ nguyên quan điểm mức tăng phải nằm trong phạm vi có thể chấp nhận được trong khuôn khổ Thỏa thuận Những biện pháp Đặc biệt (SMA) mà hai bên đã nhất trí trong 28 năm qua.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Washington yêu cầu Seoul góp gần 5 tỷ USD trong năm 2020 cho các khoản chi phí liên quan tới các hoạt động tập trận chung và để hỗ trợ thân nhân của các binh lính thuộc USFK.

Nhiều tổ chức tại Hàn Quốc đã tuần hành kêu gọi Seoul tuyên bố đóng băng các khoản đóng góp tài chính cho USFK và chỉ trích yêu cầu của Washington về việc tăng chi phí đóng góp.  Theo thỏa thuận hiện tại, dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm 2019, Seoul đồng ý đóng góp 870 triệu USD.

Trước đó, tại Hội nghị Tham vấn An ninh (SCM) lần thứ 51 diễn ra tại thủ đô Seoul ngày 15-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo khẳng định việc Washington và Seoul đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự giữa hai nước là rất quan trọng.

Hai bên có chung quan điểm rằng thỏa thuận này nên công bằng và đạt được sự đồng thuận của cả hai bên. Ông Esper khẳng định Mỹ, Hàn phải duy trì sự linh hoạt trong các cuộc tập trận chung để hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại giao về Triều Tiên, đồng thời khẳng định liên minh Mỹ-Hàn đang rất vững chắc. Ông đồng thời nhấn mạnh Hàn Quốc là quốc gia giàu có và nên tăng chi tiêu cho quốc phòng. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã tái khẳng định lời kêu gọi của Seoul về một thỏa thuận chia sẻ chi phí "hợp lý và công bằng".

Đây là vòng đàm phán thứ ba về vấn đề chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Hàn Quốc để tiến tới ký kết Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) lần thứ XI. Trước đó, Hàn-Mỹ đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên tại Seoul từ ngày 24 đến 25.9 và vòng đàm phán thứ 2 tại Hawaii (Mỹ) từ ngày 23 - 24.10 nhưng chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Vết rạn hiếm thấy

Sự đổ vỡ của vòng đàm phán nói trên, theo nhận định của giới phân tích, là vết rạn nứt hiếm hoi trong quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn. Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, trong đó bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và một số hoạt động hỗ trợ khác.

Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng có lịch sử lâu đời, bắt đầu được tổ chức kể từ khi giao tranh chấm dứt trên Bán đảo Triều Tiên năm 1953. Bản thân các cuộc tập trận thường mô phỏng các tình huống chiến đấu thực tế - các cuộc đổ bộ, tập trận bắn đạn thật, diễn tập chống khủng bố và các kế hoạch chiến đấu mô phỏng trên máy tính.

Daniel Pinkston, Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Troy ở Seoul, từng nói với CNN rằng các cuộc tập trận là sự rèn luyện quan trọng đối với các lực lượng đóng tại Hàn Quốc, đặc biệt là những binh sĩ Mỹ được luân phiên điều động tới khu vực theo các đợt triển khai kéo dài một năm.

Việc không tiến hành các cuộc tập trận có nguy cơ làm suy yếu "năng lực của quân đội Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc để đối phó với nhiều tình huống quân sự khác nhau" và có thể dẫn đến một cuộc xâm lược. Hồi tháng 3.2019, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ nhận định rằng "trao đổi thông tin giữa Mỹ và Hàn Quốc đang diễn ra suôn sẻ hơn bao giờ hết trong môi trường an ninh thay đổi trên Bán đảo Triều Tiên".

Năm 2018, Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định đình chỉ các cuộc tập trận chung "Vigilant Ace" quy mô lớn nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Thay vào đó, hai nước đồng minh tiến hành cuộc diễn tập "Huấn luyện bay phối hợp". Được khởi động vào năm 2015, Vigilant Ace là cuộc tập trận chung quy mô lớn hằng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc, trong đó huy động một lượng lớn máy bay của hai nước.

Động thái mới nhất chứng minh quan hệ bền chặt giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra ngày 14.11 tại Hội nghị lần thứ 44 Ủy ban quân sự (MCM) giữa Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Milley và người đồng cấp Hàn Quốc, Tướng Park Han-ki. Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, ông Milley tái khẳng định những cam kết vững chắc và không suy chuyển của Mỹ với Hàn Quốc, cũng như tiếp tục cam kết bảo vệ quốc gia đồng minh Hàn Quốc.

Tướng Mark Milley kêu gọi sử dụng tối đa năng lực quân sự của Mỹ để bảo vệ Hàn Quốc. Tại hội nghị, hai bên thảo luận về cách thức duy trì tư thế phòng thủ vững chắc và kế hoạch chuyển giao quyền kiểm soát tác chiến thời chiến cho Hàn Quốc, cho dù hai nước đã giảm bớt các cuộc tập trận chung để xúc tiến các cuộc thương lượng với Triều Tiên.

Trở lại với vòng đàm phán mới nhất về chia sẻ chi phí quân sự, luật pháp Hàn Quốc quy định bất kỳ thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự nào cùng đều cần Quốc hội nước này thông qua. Các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết, họ sẽ “từ chối phê chuẩn bất kỳ kết quả nào vượt mức của các cuộc đàm phán hiện tại”, khi vượt khỏi nguyên tắc và cấu trúc đã được thiết lập bởi các bản thỏa thuận trước đó. Chính vì vậy, sự đổ vỡ trong cuộc đàm phán có thể khiến liên minh Mỹ-Hàn trở nên căng thẳng.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất đồng hiếm hoi trong quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn