“Bóng đen” của một cuộc đấu thuế quan giữa hai bờ Đại Tây Dương đang hiện hữu, có nguy cơ trở thành trận chiến thương mại tốn kém và nhiều khả năng sẽ không có người thắng.
Ảnh minh họa. Nguồn: BusinessfirstMagazine
Cuộc đối đầu dai dẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ liên quan tới tranh cãi về chính sách trợ cấp bất hợp pháp đối với hai hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing đã chuyển sang ngã rẽ mới quyết liệt hơn sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chấp thuận để Mỹ đánh thuế lượng hàng hóa lên tới 7,5 tỷ USD mỗi năm của EU.
Phán quyết ngày 2.10 của WTO, rằng các chính phủ châu Âu đã trợ cấp bất hợp pháp cho “đại gia” Airbus và cho phép Mỹ đánh thuế hàng hóa của EU để đáp trả, được áp dụng từ ngày 18.10 tới, sẽ động chạm tới tất cả các nền kinh tế lớn trong EU. Tổng số thuế bổ sung mà Mỹ được phép thu đối với lượng hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD mỗi năm của EU là một con số kỷ lục bởi kể từ khi thành lập năm 1995 đến nay, WTO chưa từng đưa ra một lệnh trừng phạt thương mại nào lớn đến vậy.
Những khoản thuế theo quyết định trên lên tới 25% đối với các sản phẩm rượu vang Pháp và Tây Ban Nha, dầu ôliu Tây Ban Nha, pho mát châu Âu cùng một loạt sản phẩm công nghiệp của Đức và 10% đối với máy bay dân dụng do Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh - bốn đối tác của Airbus, sản xuất. Tổng cộng, hơn 150 sản phẩm của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng.
Có thể coi bước leo thang căng thẳng thương mại lần này giữa EU và Mỹ là kết quả đã được báo trước từ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump kể từ khi nhậm chức tháng 1.2017. Đặc biệt, trong vài tháng gần đây kể từ khi tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump càng tỏ ra cứng rắn hơn với các nước EU vì cho rằng quan hệ thương mại giữa hai bên không cân bằng và phải được xem xét lại.
Rượu vang được trưng bày tại hội chợ ở Bordeaux, Tây Nam nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Tranh cãi liên quan tới trợ cấp các hãng chế tạo máy bay chỉ là một phần của chính sách “đe dọa thuế quan” mà ông Trump nhắm vào các đồng minh chủ chốt trong EU, khi liên tục coi xuất khẩu các mặt hàng như nhôm, thép, ô tô của EU là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.”
Căng thẳng lần này giữa EU và Mỹ được đánh giá là một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump nhằm vào tất cả các đồng minh lẫn đối thủ của nước Mỹ mà không ít ý kiến cho rằng đây là một “quân bài” tranh cử của ông chủ Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi phán quyết trên của WTO là một “chiến thắng đẹp” đối với nước Mỹ, không quên nhấn mạnh rằng “suốt nhiều năm qua EU đã đối xử rất tệ với Mỹ về thương mại.”
Về lý thuyết, đây tạm thời có thể là lợi thế của Mỹ trong bối cảnh đàm phán thương mại giữa hai bên đang bế tắc. Trong khi đó, EU, dù kêu gọi một thỏa thuận hòa giải nhằm tránh các biện pháp trừng phạt qua lại, song cũng lập tức tuyên bố sẽ có các bước đi đáp trả tương ứng nếu Mỹ thực hiện áp thuế từ ngày 18.10. Brussels cũng đã chuẩn bị danh sách hàng xuất khẩu của Mỹ với giá trị khoảng 20 tỷ USD để đánh thuế, bởi đơn khiếu nại của EU liên quan tới việc Mỹ trợ giá cho hãng Boeing vẫn đang được xem xét và nhiều khả năng trong khoảng 8 tháng tới, WTO sẽ phải cho phép EU áp thuế tương tự đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa.
Mâu thuẫn kéo dài 15 năm liên quan tới trợ cấp trái phép hai hãng chế tạo máy bay trên chưa thể kết thúc, và mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương đang đứng trước khả năng ngày càng rạn nứt, trong bối cảnh năm ngoái, EU và Mỹ đã sa vào cuộc đấu thuế quan sau khi Washington áp thuế nhôm thép nhập khẩu từ EU.
Máy bay A380 của Airbus được sản xuất tại nhà máy ở Blagnac, miền nam nước Pháp, ngày 21.3.2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới doanh nghiệp hai bờ Đại Tây Dương ngay lập tức “đứng ngồi không yên” trước những tác động từ việc “ăn miếng trả miếng” thuế quan giữa hai bên. Theo các tổ chức thương mại, mức thuế mới 25% của Mỹ nhằm vào các mặt hàng thực phẩm của EU sẽ đẩy giá tăng cao trước thềm mùa nghỉ lễ và khiến Mỹ mất đi nhiều việc làm.
Hiệp hội thực phẩm đặc sản Mỹ (SFA) cho rằng mức thuế trên sẽ gây ảnh hưởng nặng nề, làm giảm doanh thu và tác động tiêu cực đến việc làm ở 14.000 nhà bán lẻ thực phẩm đặc sản và 20.000 nhà bán lẻ thực phẩm khác trên khắp nước Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ phải chi trả nhiều hơn, và việc áp thuế cao này sẽ trở thành lực cản đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ở chiều ngược lại, Hiệp hội Nông nghiệp Tây Ban Nha (COAG) cho biết việc Mỹ áp thuế với các sản phẩm của EU sẽ ảnh hưởng tới khoảng 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) sản phẩm nông nghiệp của quốc gia này mỗi năm. Hiệp hội Nông dân Italy cũng cho biết các mức thuế trên sẽ ảnh hưởng tới 500 triệu euro/năm đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Nhà sản xuất máy bay Airbus lo ngại rằng các sản phẩm mới nhất của tập đoàn châu Âu, mỗi năm cung cấp khoảng 100 máy bay sang thị trường Mỹ, sẽ không còn khả năng cạnh tranh bên ngoài Đại Tây Dương.
Còn đối thủ Boeing, trừ khi tranh chấp được giải quyết một cách thân thiện, các lệnh trừng phạt thương mại mà Brussels có khả năng áp đặt trong 6 tháng tới sẽ gây “hậu quả tàn phá,” khiến nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ phải ngừng hoạt động tại thị trường châu Âu, nơi họ bán tới 110 máy bay mỗi năm. Các hãng hàng không Mỹ như Delta, JetBlue hoặc American Airlines cũng cho rằng thuế quan đối với máy bay của Airbus sẽ làm tổn thương chính ngành hàng không Mỹ.
Tranh chấp giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể đe dọa sâu sắc hơn nữa cho mối quan hệ thương mại trị giá 1.300 tỷ USD giữa hai bên, từ đó gây thiệt hại cho tất cả những bên liên quan. Các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do mới giữa Mỹ và EU - vốn trong tình trạng đình trệ - có thể bị hủy hoại nghiêm trọng hơn. Các hoạt động hợp tác khác giữa hai bên, trong đó có cải cách các quy định hoặc cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Một số lĩnh vực của nền kinh tế Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhìn rộng hơn, căng thẳng thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng đang tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới. Báo cáo của WTO công bố hồi đầu tuần này dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm tốc xuống còn một nửa so với dự báo hồi tháng Tư.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cảnh báo rằng xung đột thương mại leo thang đang gia tăng sức ép đối với lòng tin và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, tạo ra bất ổn về chính sách, gia tăng rủi ro trên thị trường tài chính và gây nguy hiểm cho triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Với nỗi lo sợ nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng hiện hữu sau hơn 1 năm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang, một trận chiến thương mại tốn kém khác giữa Mỹ và châu Âu không phải là điều thế giới mong đợi lúc này. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đánh giá việc áp đặt thuế trừng phạt lẫn nhau là “một sai lầm về kinh tế và chính trị.”
Ông Le Maire kêu gọi ý thức trách nhiệm của mỗi bên và hối thúc một thỏa thuận hòa giải giữa EU và Mỹ để giải quyết cuộc kiện tụng kéo dài liên quan tới việc trợ cấp cho Airbus và Boeing.
Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer cũng để ngỏ cánh cửa về một giải pháp hòa giải, hy vọng “tiến hành các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu để giải quyết cuộc xung đột này vì lợi ích của người lao động Mỹ.”
Nói cho cùng, EU và Mỹ có lẽ phải nhận ra rằng hai bên đang mấp mé một cuộc đấu sẽ khiến cả hai tổn thất lớn trong bối cảnh Brussels và Washington đều đang phải cạnh tranh với các đối thủ mới và mạnh khác trên thị trường.
Theo TTXVN