Là những đơn vị có vai trò quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ cơ sở nhưng các Trung tâm Chính trị cấp huyện ở Hải Dương lại gặp không ít khó khăn, bấp cập trong hoạt động.
Thiếu giảng viên chuyên trách
Theo Quy định 208-QĐ/TW, ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII), biên chế của Trung tâm Chính trị cấp huyện từ 4-6 người. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương có Quyết định số 37- QĐ/BTCTU ngày 30.12.2020 về danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức cấp huyện. Theo đó, Trung tâm Chính trị cấp huyện có 5 biên chế gồm: Giám đốc là Trưởng Ban Tuyên giáo cấp huyện kiêm nhiệm, 1 phó giám đốc, 2 giảng viên, 1 kế toán (riêng kế toán thuộc nhóm chuyên môn dùng chung).
Thực tế tại một số Trung tâm Chính trị cấp huyện vẫn hoạt động thiếu biên chế. Trung tâm Chính trị các huyện Bình Giang và Thanh Hà thiếu 2 giảng viên chuyên trách. Vì vậy, đồng chí Phó Giám đốc trung tâm phải kiêm nhiệm nhiều việc.
Hiện nay, việc giảng dạy tại các trung tâm chủ yếu do đội ngũ giảng viên kiêm chức tại cơ sở và mời giảng viên của Trường Chính trị tỉnh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều Trung tâm Chính trị cấp huyện, việc giảng dạy ở trung tâm dễ bị động do phải phụ thuộc vào lịch công tác của cơ quan, đơn vị nơi giảng viên kiêm chức đang làm việc. Nhiều lớp học tại Trung tâm Chính trị các huyện Thanh Hà và Bình Giang phải đổi lịch giảng nhiều lần.
Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng
Hiện nay, một số quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên của các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị chưa được quan tâm đúng mức.
Qua tìm hiểu của phóng viên, Trung tâm Chính trị cấp huyện là đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan Đảng cấp huyện nhưng không được hưởng 25% phụ cấp công vụ và 30% phụ cấp công tác Đảng. Với giảng viên gắn bó lâu năm chỉ được 30% phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên.
Đồng chí Vũ Xuân Đạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Tứ Kỳ cho biết những bất cập hoạt động tại Trung tâm Chính trị cấp huyện đang tồn tại liên quan đến chính sách đãi ngộ, thiếu giảng viên chuyên trách… cần sớm được quan tâm khắc phục để đưa hoạt động của trung tâm được ổn định, hiệu quả.
Xem xét lại mô hình "2 trong 1"
Sau 5 năm triển khai mô hình "2 trong 1" là Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị cấp huyện ở Hải Dương cho thấy nhiều ưu điểm nhưng cũng có không ít bất cập, hạn chế.
Qua đánh giá mô hình trên ở một số huyện, hiệu quả rõ nhất là giảm khâu trung gian và vị thế của các Trung tâm Chính trị được nâng cao so với trước đây. Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị, là Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Thị ủy, Thành uỷ nên các chủ trương, chỉ đạo của cấp uỷ được đồng chí Trưởng Ban lĩnh hội, triển khai ngay. Công tác định hướng hoạt động của trung tâm thuận lợi hơn bởi trước đây phải thông qua khâu lãnh đạo phê duyệt và phối hợp thực hiện. Mô hình này vừa tinh giản được biên chế vừa trực tiếp tăng cường sự lãnh đạo của Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện đối với hoạt động của Trung tâm Chính trị.
Tại huyện Tứ Kỳ, khi "nhất thể hóa" 2 chức danh đã tổ chức sáp nhập Chi bộ Trung tâm Chính trị huyện vào Chi bộ Ban Tuyên giáo, đồng chí Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Huyện ủy là Bí thư Chi bộ. Tổ công đoàn Chi bộ Trung tâm Chính trị huyện sáp nhập với Tổ công đoàn Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Đến nay, các tổ chức này vẫn hoạt động ổn định, hiệu quả.
Nội dung: NGUYỄN THẢO
Trình bày: PHÙNG BẢN