Thiếu quan tâm đến vấn đề an toàn, vệ sinh lao động sẽ khiến người lao động có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp tổ chức khám sức khỏe cho công nhân Công ty TNHH Haivina
Những năm qua, công tác phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ) luôn được các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh quan tâm. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe NLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp và NLĐ chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Phát bệnh sau nhiều năm làm việc
Đến nay, chị Nguyễn Thị Lê ở khu 4, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đã làm nghề may hơn 10 năm tại các công ty tư nhân trên địa bàn. Nhưng mấy năm gần đây, chị thấy có nhiều dấu hiệu bất ổn về sức khỏe. Chị thường xuyên bị đau mỏi vai, gáy, đau buốt sống lưng. Có lần chị phải nghỉ làm khoảng nửa tháng để điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm. Chị Lê cho biết các bác sĩ khám đều nhận định chị thường xuyên ngồi trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân mắc các loại bệnh trên.
Anh Vũ Hữu Hạnh (36 tuổi) ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) làm nghề mộc đã gần 20 năm. Khoảng 7 tháng trước, anh thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, hay đau ở vùng thắt lưng, khi đang tư thế cúi làm việc, anh rất khó có thể đứng lên ngay mà phải khom lưng. Khi không còn chịu được những cơn đau, anh mới đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được chẩn đoán đau thắt lưng hông. Anh đang điều trị vật lý trị liệu tại Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Anh Hạnh cho biết những người làm nghề như anh cũng thường gặp triệu chứng tương tự hoặc một số triệu chứng khác như viêm xoang, đau mỏi vai, gáy...
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ba, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), hiện khoa chưa có số liệu thống kê về những bệnh nhân mắc bệnh do liên quan đến yếu tố nghề nghiệp nhưng những trường hợp như anh Hạnh không hề hiếm gặp. Trung bình một tháng, khoa tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân tới khám, điều trị thì nhiều người là nhân viên văn phòng, giáo viên, người làm nghề tự do như mộc, hàn xì... Điểm chung của những công việc này là NLĐ phải đứng hoặc ngồi nhiều, nhiều người ngồi lâu trong những tư thế không thoải mái như mộc, hàn xì, ảnh hưởng đến cột sống, cổ, thắt lưng...
Hạn chế nguy cơ
Để giúp NLĐ hạn chế nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra 18 doanh nghiệp về công tác y tế lao động, vệ sinh lao động. Phối hợp với các doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức 21 lớp tập huấn về ATVSLĐ, khám bệnh nghề nghiệp cho 830 người. Tổ chức quan trắc môi trường lao động, đo các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe NLĐ cho 36 doanh nghiệp, 2 bệnh viện. Tham gia điều tra 18 vụ tai nạn lao động, làm rõ nguyên nhân, kiến nghị biện pháp khắc phục và đề xuất giải quyết chế độ thỏa đáng cho người bị nạn…
Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng Khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết để chủ động phòng chống bệnh nghề nghiệp và nâng cao sức khỏe cho NLĐ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ sản xuất, doanh nghiệp cần trang bị thiết bị bảo hộ lao động và vệ sinh lao động. Nâng cao chất lượng quản lý sức khỏe NLĐ, lập phương án, phương tiện sơ cứu, cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình huống cấp cứu tai nạn lao động. Hằng năm có kế hoạch tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tư vấn các biện pháp phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Căn cứ kết quả khám sức khỏe định kỳ, tần suất nghỉ ốm của NLĐ, chủ động đề xuất, bố trí vị trí công việc phù hợp với sức khỏe NLĐ. Điều quan trọng là NLĐ cần có ý thức thực hiện các quy định, không chủ quan, ngại sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động, biết tự bảo vệ sức khỏe và có yêu cầu chính đáng về các chế độ, bảo hộ lao động khi làm việc.
PHƯƠNG ANH - HUYỀN TRANG