Đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong Kế hoạch “Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2030” UBND tỉnh vừa triển khai.
Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 có 100% số người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ (ảnh minh hoạ)
Cùng với mục tiêu trên, Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% số cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc; 100% số người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị, phục hồi chức năng… Trong giai đoạn 2023-2030, toàn tỉnh phấn đấu giảm 15% số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động vào năm 2025 và giảm 25% vào năm 2030 so với giai đoạn 2010-2018. 100% số người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ.
Để đạt được mục tiêu trên, Hải Dương đề ra nhiều giải pháp như tăng cường công tác quản lý, phối hợp liên ngành về an toàn, vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp; thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe và bệnh nghề nghiệp, sơ cứu cho người lao động tại nơi làm việc; đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường lao động; tổ chức thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và bệnh nghề nghiệp.
TIẾN MẠNH