Môi trường

Bảo vệ môi trường ở các cơ sở y tế

PHAN ANH 28/09/2023 15:00

Thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp quản lý chất thải, qua đó góp phần bảo vệ môi trường.

W_img_1692.jpeg
Hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện đã xây dựng từ rất lâu, công suất thiết kế không đáp ứng được yêu cầu thực tế

Hạn chế

Những năm trước, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm về môi trường do xả thải ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép. Nguyên nhân chính do công nghệ của trạm xử lý nước thải bệnh viện được phê duyệt từ năm 2008 đến nay đã lạc hậu, không còn phù hợp để đạt các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, hồ sơ thiết kế ban đầu của trạm xử lý nước thải chỉ đáp ứng 500 giường bệnh theo kế hoạch. Trong khi số giường thực tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cao gấp hơn 2 lần so với thiết kế ban đầu. Vì vậy, hàm lượng nitơ tổng và NH4+-N rất cao, khó xử lý triệt để xuống dưới ngưỡng quy định nếu không áp dụng công nghệ mới hiện đại hơn.

Tháng 5/2022, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện 210 triệu đồng do xả nước thải có thông số pH nằm ngoài ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Đồng thời yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện phải rà soát, cải tạo công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.

Ông Trương Mậu Nghiêm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện cho biết hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm Y tế huyện đã cũ do xây dựng từ rất lâu, công suất thiết kế chỉ 50 m3/ngày đêm. Hiện nay do số bệnh nhân đến khám và điều trị tăng mạnh, trung bình mỗi ngày trung tâm có hơn 300 bệnh nhân đến khám và điều trị. Số giường bệnh thực kê là 240 giường, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu giao (190 giường) dẫn đến lượng nước thải ra tăng mạnh. Công suất và công nghệ xử lý cũ không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Nhiều giải pháp

Hiện nay, Bệnh viện Nhi Hải Dương cùng với Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ và thị xã Kinh Môn là 3 cơ sở y tế được đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế sử dụng công nghệ khử khuẩn bằng hơi nước bão hòa ở nhiệt độ cao kết hợp nghiền cắt từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Việc xử lý chất thải nguy hại tại các đơn vị này tuân thủ quy trình 3 bước gồm thu gom và phân loại rác thải; tiệt trùng rác thải và nghiền rác.

Để khắc phục hạn chế về môi trường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như lấy ý kiến tư vấn chuyên gia để có giải pháp xử lý phù hợp, sửa chữa trạm xử lý nước thải, bổ sung thêm hóa chất xử lý nước thải... Để bảo đảm công suất xử lý của trạm xử lý nước thải và bảo đảm chất lượng nước thải khi thải ra môi trường, bệnh viện đã làm việc và được Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đồng ý hỗ trợ xử lý nước thải.

Sau khi bị xử phạt do vi phạm môi trường, Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện đã rà soát lại toàn bộ quy trình xử lý nước thải, bổ sung bùn vi sinh, clo vào nước thải. Về lâu dài, trung tâm đã thuê đơn vị tư vấn, khảo sát lập dự toán và đề xuất đầu tư, nâng cấp một số công trình, trong đó có việc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải từ 50 m3/ngày đêm lên 250 m3/ngày đêm. Công trình đã được tích hợp trong dự án dầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị 12 Trung tâm Y tế tuyến huyện và được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023 vừa qua. Dự kiến trong quý IV/2023 công trình sẽ được khởi công xây dựng.

W_3069d719-1ea9-4331-8dd6-7b26c2cd5a8b.jpeg
Sở Xây dựng đã chấp thuận kết quả nghiệm thu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đối với công trình khắc phục, sửa chữa Trạm xử lý nước thải của bệnh viện (ảnh tư liệu)

Với những biện pháp đã triển khai, tháng 4/2023 Sở Xây dựng đã chấp thuận kết quả nghiệm thu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đối với công trình khắc phục, sửa chữa trạm xử lý nước thải của bệnh viện. Theo ông Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau quá trình sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng hiện nay hệ thống máy móc, thiết bị của trạm xử lý nước thải đã hoạt động bình thường. Hiện nay, trạm xử lý nước thải của bệnh viện đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, dự kiến đến hết tháng 9/2023 sẽ kết thúc giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá đưa vào vận hành chính thức.

Theo Sở Y tế Hải Dương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 880 cơ sở y tế. Việc quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải tại các cơ sở y tế hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế. Các chất thải y tế nguy hại và thông thường đã được phân loại quản lý ngay tại nơi phát sinh và thời điểm phát sinh. Từng loại chất thải y tế nguy hại đã được lưu giữ, phân loại trong bao bì, dụng cụ thiết bị lưu chứa theo quy định. Chất thải y tế phát sinh tại các cơ sở y tế được phân loại, thu gom, lưu giữ trong các thùng có nắp đậy, được đặt tại các khoa, phòng của đơn vị, sau đó được chuyển đến kho lưu giữ chất thải có treo biển báo và được các đơn vị ký hợp đồng chuyển giao xử lý cho các đơn vị có chức năng về xử lý chất thải y tế nguy hại, vận chuyển bằng xe chuyên dụng.

PHAN ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ môi trường ở các cơ sở y tế