Bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão

05/08/2022 08:42

Ngày 21.7, một trang trại nuôi gà ở xã Thượng Quận (Kinh Môn) bị sét đánh trúng làm hơn 6.000 con gà bị chết ngạt do hệ thống quạt bị hỏng.

Nhiều người cho rằng “của đi thay người” nhưng nông dân cũng phải chịu những thiệt hại kinh tế không nhỏ. Câu hỏi được đặt ra hệ thống chống sét hay quy trình chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa mưa bão đã được nhà nông quan tâm và nắm chắc?

Nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều tác động của thiên tai, không chỉ mưa, lũ, rét, nắng nóng, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển mà sét đánh cũng đã từng gây những thiệt hại không nhỏ. Thực tế, hiện nay nhiều trang trại chăn nuôi được đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại với hệ thống làm mát, sưởi ấm, thông gió tự động nhưng lại ít chủ trang trại để ý đến việc lắp đặt hệ thống chống sét. Trong khi đó phần lớn các trang trại chăn nuôi thường được đặt biệt lập ở cánh đồng, xa khu dân cư nên rất dễ bị sét đánh. Nếu không trang bị hệ thống thu lôi, sét đánh vào hệ thống điện gây chập cháy không những làm hỏng các thiết bị điện mà còn ảnh hưởng đến đàn vật nuôi. Không chỉ ở tỉnh ta, đầu tháng 5 vừa qua, sét đánh cũng làm chết 229 con lợn sắp được xuất chuồng của một hộ chăn nuôi ở huyện Hưng Hà (Thái Bình). Ngoài ra còn hàng loạt vật dụng, đồ đạc trong trang trại bị hư hỏng nghiêm trọng, tổng thiệt hại ước tính lên đến hàng tỷ đồng.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, những ngày tới, nhất là giữa tháng 8 thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, Hải Dương cũng sẽ có nhiều đợt giông lốc, kèm theo sét và gió giật mạnh. Để tránh những thiệt hại do sét gây ra như ở Kinh Môn và Thái Bình, các hộ dân cần quan tâm lắp đặt hệ thống chống sét cho trang trại. Cần chủ động theo dõi tình hình thời tiết để thực hiện các biện pháp chăm sóc đàn vật nuôi phù hợp.

Ngay từ bây giờ, người chăn nuôi cần kiểm tra, gia cố chuồng trại vững chắc để không bị tốc mái khi có gió bão, đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi. Trong mùa mưa bão, việc khơi thông cống rãnh, hạn chế úng ngập cũng rất cần thiết để tránh cho môi trường chăn nuôi bị ẩm, mốc phát sinh dịch bệnh.

Cùng với đó, cần có kế hoạch dự trữ nguồn thức ăn, bảo quản ở những nơi khô ráo. Dự trữ một số hóa chất khử trùng nước để bảo đảm đủ nước sạch cho vật nuôi uống; một số vật tư, thuốc thú y dùng cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi... Trong và sau mưa bão, lũ lụt cần thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi; tu sửa chuồng trại, tránh để ẩm ướt, hạn chế  sự tồn tại của mầm bệnh. Kiểm tra cống rãnh thoát nước, nếu bị tắc phải khơi thông ngay, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi. Nước rút đến đâu thì vệ sinh ngay đến đó, định kỳ phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và xung quanh chuồng nuôi…

Công tác tiêm phòng trong mùa mưa bão cũng rất quan trọng, người chăn nuôi cần tiêm đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

Trước những diễn biến thất thường và ngày càng cực đoan của thời tiết, người chăn nuôi phải luôn sẵn sàng ứng phó với những tình huống do mưa bão gây ra. Đặc biệt, về lâu dài nhà nông cần tính đến việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp để bảo vệ thành quả, mồ hôi công sức trong thời gian dài chăm sóc và bảo vệ đàn vật nuôi, tránh những tác động của thiên tai làm nhà nông phá sản, chán nản không tiếp tục gắn bó với nghề.

BẢO BẢO(Kinh Môn)

(0) Bình luận
Bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão