Suốt 50 năm qua, bảo tàng kính mắt Rogan Megane Hakubutsukan ở Ikeburo luôn là thiên đường kính mắt trên khắp Nhật Bản.
Nằm trên con phố thương mại sầm uất Higashi-dori ở Minami-Ikebukuro (Tokyo), bảo tàng kính mắt là một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách nhất ở thủ đô Nhật Bản.
Mặc dù trước đây, bảo tàng này chỉ là một nhà kho đơn giản, nhưng dưới ý tưởng của người sáng lập và chủ sở hữu lâu năm Yutaka Takei, nơi đây đã trở thành khu trưng bày và bán các loại kính vô cùng độc đáo.
Điều thực sự khiến bảo tàng kính này trở nên nổi tiếng là mặt tiền khác lạ khi hàng nghìn cặp kính râm nhiều màu sắc được gắn trên một khung kim loại khổng lồ. Ý tưởng này nhằm thu hút du khách và dần trở thành một trong những hấp dẫn ở Ikebukuro.
Ban đầu, ông Takei đã mở một cửa hàng bán buôn hàng hoá tại đây. Đến khi các doanh nghiệp bắt đầu giao dịch trực tiếp với các nhà sản xuất, việc bán buôn có ít lãi hơn nên ông phải đổi mới hoạt động kinh doanh. Ông bắt đầu tập trung vào kính mắt và để cửa hàng của mình trở nên thu hút, ông Takei đã đầu tư rất nhiều vào quảng cáo, trang trí bảo tàng kính với hàng nghìn chiếc kính râm. Thậm chí, ông còn thỏa thuận với các công ty lữ hành để thu hút khách du lịch đến đây.
Ngoài phong cách trang trí độc đáo, bảo tàng kính này còn nổi tiếng với mức giá vô cùng rẻ. Nơi đây bán kính với giá chỉ từ 300 yên (50.000 đồng).
Không chỉ trưng bày hàng chục nghìn cặp kính trên tường, bảo tàng kính còn có một kho hàng khổng lồ bên trong, chứa tới 120.000 chiếc kính.
Thật không may, không có gì tồn tại mãi mãi. Vào tháng 3/2022, sau 50 năm kinh doanh, ông Takei thông báo rằng cửa hàng độc đáo này sẽ đóng cửa do nhiều yếu tố. Người sáng lập lúc đó đã 76 tuổi và không còn đủ sức làm khối lượng công việc lớn. Đồng thời, lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 và giá kính mắt giảm khiến hoạt động kinh doanh không bền vững.
“Trước đây, một chiếc kính thông thường có giá từ 30.000 đến 40.000 yên và các cửa hàng kính phải bán được ít nhất một chiếc kính mỗi ngày. Bây giờ giá đã tăng thêm 5.000 đến 6.000 yên. Khi đó, chỉ những công ty lớn mới có thể tồn tại”, ông Takei nói.
Một số nguồn tin cho rằng bảo tàng kính vẫn đang hoạt động ở một địa điểm khác ở Tokyo, nhưng nó không còn mang vẻ độc đáo như cửa hàng ban đầu. May mắn, mạng xã hội vẫn lưu giữ những bức ảnh và thước phim ghi lại cửa hàng kính mắt lớn nhất từng có.