Bão số 4 suy yếu thành áp thấp, Bắc Bộ mưa to

17/08/2018 05:23

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, Bắc Bộ và Bắc Truung Bộ tiếp tục có mưa to và rất to.

Nông dân chủ động ứng phó với ảnh hưởng của bão số 4
* Người phụ nữ bị đất đá vùi lấp tử vong trong mưa lũ


* Kịp thời ứng phó với tình hình mưa lũ sau bão số 4

* Nghệ An: Hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi, nhấn chìm


Do ảnh hưởng của bão số 4, các tỉnh Nam Đồng Bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh tiếp tục có mưa to đến rất to 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng ngày 17.8, sau khi di chuyển sang khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 10 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,5 độ vĩ  bắc; 104,6 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp tiếp tục di chuyển theo hướng tây, suy yếu và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 ở ven biển các tỉnh Thái Bình đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; tại Văn Lý (Nam Định) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Sầm Sơn (Thanh Hóa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trong ngày 16.8 đến sáng ngày 17.8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm, một số nơi lớn hơn như Km46 (Sơn La) 215mm, Bản Chiềng (Hòa Bình) 250mm, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 116mm, Tây Hiếu (Nghệ An) 280mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 250mm,…

* Sáng 17.8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp với các với các cơ quan, đơn vị liên quan, bàn các biện pháp ứng phó với tình hình mưa lũ sau bão số 4.

Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quyết liệt trong chỉ đạo, ứng phó, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi phía Bắc - nơi tiếp tục có nguy cơ lớn xảy ra lũ quét, sạt lở đất thời gian tới,.

Các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 4 và áp thấp nhiệt đới cần rút kinh nghiệm, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức họp giao ban trực tuyến thường xuyên giữa Trung ương và các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai.

Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị các địa phương thuộc khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi, bám sát và có các biện pháp chủ động trước tình hình mưa lũ; chú trọng việc bố trí lực lượng, thực hiện nghiêm việc trực, vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn.

Đối với những vùng thấp, trũng (đặc biệt là huyện Chương Mỹ-Hà Nội, nơi được dự báo là có lượng mưa sắp tới khoảng 200-300mm) cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để có giải pháp chống tràn, bảo vệ đê và an toàn tính mạng, tài sản của người dân; sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp với từng điều kiện bị ảnh hưởng.

Các tỉnh, thành phố Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, các khu vực phía Tây Thanh Hóa và Bắc Nghệ An - nơi được cảnh báo là có lượng mưa đặc biệt lớn (trung bình 200-300mm, có nơi lên đến 400-500mm) cần theo dõi chặt chẽ và chủ động trong ứng phó khi mưa lớn diện rộng có thể xảy ra.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt diễn biến của áp thấp nhiệt đới, cung cấp nhanh, kịp thời, sát thực tế các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền ứng phó với áp thấp.

Các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong công tác ứng phó với thiên tai. 

Theo Đại tá Trần Dương Kiên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 8 giờ ngày 17.8, không có tàu, thuyền nào hoạt động ở khu vực nguy hiểm và không có sự cố tàu, thuyền trên biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản và chính quyền các địa phương tổ chức kêu gọi các tàu thuyền về nơi an toàn.

* Trưa 17.8, trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết: Lúc 7 giờ sáng  ngày 17.8, 2 vợ chồng bà Vi Thị Thêu ở bản Na Chừa, xã Mường Chanh cùng nhau vào khu vực ao thả cá của gia đình. Thấy nước tràn ao, người chồng quay về nhà để lấy chài quăng cá. Khi quay trở lại ao thì phát hiện vợ mình bị đất đá sạt lở đè lên người, tử vong.

Đến hơn 8 giờ sáng cùng ngày, thi thể của bà Vi Thị Thêu đã được chính quyền địa phương, gia đình đưa về chôn cất. UBND huyện Mường Lát cũng đã đến thăm viếng, động viên, hỗ trợ gia đình 6 triệu đồng.

* Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trên địa bàn Nghệ An xảy ra mưa lớn trên diện rộng, khiến mực nước ở các sông suối lên cao, một số địa phương bị ngập úng, nhà máy thủy điện phải xả lũ, hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi…

Tại huyện Kỳ Sơn, vào tối ngày 16, sáng ngày 17.8, mưa lớn tiếp tục diễn ra khiến mực nước ở sông Nậm Nơn dự kiến dâng cao lịch sử. Hiện, xã Mỹ Lỹ bị ngập 19 nhà (4 ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước), xã Keng Đu phải di dời 2 nhà ra khỏi khu vực nguy hiểm, đường vào xã Tà Cạ bị ngập lúc sáng sớm và hiện đã bị cô lập, 2 tràn ở xã Hữu Lập bị ngập sâu.


Hàng chục ngôi nhà tại huyện Kỳ Sơn bị ngập lịt và bị lũ cuốn trôi

Đặc biệt, nhà máy thủy điện Nậm Mô đã xả lũ trên 800m3/s. Tại xã Chiêu Lưu, 2 mẹ con bị nước cuốn trôi nhưng rất may được người dân địa phương cứu vớt kịp thời.

Tại huyện Con Cuông, mực nước dâng cao khiến giao thông ách tắc và chia cắt, cô lập các bản làng xã Thạch Ngàn. UBND xã này cũng đã tổ chức sơ tán các hộ dân có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đến nơi an toàn, Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn của xã túc trực 24/24 giờ. Tại cầu tràn bị ngập, lực lượng công an túc trực, không để người và các loại phương tiện qua lại.

Tại huyện Quỳ Hợp, mưa lớn đã gây ngập, sạt lở trên diện rộng tại xã Châu Lý, Châu Thành, Châu Hồng, thị trấn.... Tất cả cầu tràn trên địa bàn xã Châu Lý đã bị ngập sâu gây chia cắt, cô lập hoàn toàn các bản trên địa bàn xã. Nhiều diện tích ao cá, lúa của người dân bị thiệt hại. Một số nhà dân đã bị đất đá làm hư hỏng.

Tại huyện Nghĩa Đàn, cầu Tràn Dinh Km97+850 nối liền xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, ngập sâu trên mặt cầu 2m; các tràn khác trên địa bàn huyện như thị trấn Nghĩa Đàn; Nghĩa Bình ngập sâu từ 0,5 - 0,7m... Đường giao thông của 11 xóm  (hơn 1.000 hộ dân) của xã Nghĩa Hưng đã bị chia cắt và cô lập… UBND xã Nghĩa Thịnh đã lập hàng rào, biển báo cấm không để người dân qua đập tràn bị ngập.

PV- TTXVN- Tiền phong

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bão số 4 suy yếu thành áp thấp, Bắc Bộ mưa to