Ngay sau khi vào vùng biển các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngay sau khi vào vùng biển các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hiện tại, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc, 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị, sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo, trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.
Cơ quan khí tượng cảnh báo các địa phương tiếp tục bám sát thông tin dự báo về lũ, bản đồ nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Trong đêm qua và ngày hôm nay 19/9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 18/9 đến 15 giờ ngày 19/9 có nơi trên 200mm như: Mai Hóa (Quảng Bình) 222.8mm, Tà Long (Quảng Trị) 363.6mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 321.3mm…
Từ chiều tối và đêm 19/9 đến ngày 20/9, dự báo khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to đến rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 350mm. Từ đêm 20/9, mưa lớn giảm dần.
Từ chiều tối và đêm 19/9 đến đêm 20/9, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Từ ngày 21/9, mưa lớn giảm dần.
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.