Do ảnh hưởng của bão, ngày 15.8 ở phía Đông Bắc Bộ có mưa rải rác, từ đêm 15.8 đến ngày 17.8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to...
Dự báo đường đi của bão số 4
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 14.8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 113,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển chậm theo hướng đông sau có khả năng đổi hướng dịch chuyển về phía tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 15.8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 16 giờ ngày 16.8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão số 4, trong ngày 15.8 ở phía Đông Bắc Bộ có mưa rải rác; từ đêm 15 - 17.8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt).
Chủ động ứng phó với bão số 4 Sáng 14.8, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh có công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động ứng phó, xử lý kịp thời những tình huống do bão số 4 gây ra. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã triển khai ngay phương án đối phó với mưa, bão, lũ, ngập úng, lưu ý chống úng cho diện tích lúa mới cấy lại, rau màu vụ hè thu ở các vùng thấp, trũng và khu vực nuôi thủy sản tập trung. Kiểm tra các công trình đê, kè, cống, hồ đập, đặc biệt các trọng điểm phòng chống lụt bão, các vị trí công trình đê điều, bãi sông đang bị sạt lở chưa được xử lý; các điểm xung yếu trên hệ thống bờ kênh trục Bắc Hưng Hải, công trình thủy lợi nội đồng, các công trình đang thi công để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phương án chống úng, ưu tiên chống úng cho diện tích lúa ở vùng trũng, rau màu hè thu và khu nuôi thuỷ sản tập trung. TP Hải Dương chủ động thực hiện phương án chống úng ngập nội đô. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương kiểm tra hệ thống công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng. Thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn kiểm tra, rà soát, cảnh báo các khu vực trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất. Triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất, bảo an toàn cho hồ đập và các khu vực mỏ khai thác đá, đất sét trên địa bàn. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh bám sát địa bàn được phân công, chủ động kiểm tra và chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với bão số 4. Tổ chức trực ban nghiêm túc để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra... |
PV