Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, phải xác định đây là cơn bão nguy hiểm, trái vụ, nguy cơ ảnh hưởng lớn, đối tượng tổn thương rất rộng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại hội nghị
Sáng 2.1, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp khẩn để ứng phó với bão số 1 đang di chuyển nhanh trên biển Đông. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 2.1, vị trí tâm bão ở cách đất liền các tỉnh Nam Bộ khoảng 460km về phía đông nam, cách Côn Đảo khoảng 360km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 4 giờ ngày 3.1, vị trí tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 200km về phía Nam, cách Côn Đảo khoảng 270km về phía nam tây nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 5,0 độ vĩ bắc. Từ ngày 2.1 đến hết ngày 3.1 vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Côn Đảo) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trước diễn biến của cơn bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, phải xác định đây là cơn bão trái vụ nguy hiểm. Bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, nguy cơ ảnh hưởng lớn, đối tượng tổn thương rất rộng, gồm khoảng 400.000 lao động (từ Khánh Hòa đến Kiên Giang). Đặc biệt, có gần 3.000 tàu thuyền nằm trong phạm vi nguy hiểm của bão. Đối với tuyến ven biển, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: Hiện đã có 5 tỉnh cấm biển, 44 tỉnh còn lại căn cứ vào tình hình thực tế để cấm biển. Rà soát lại 12 tàu của Bà Rịa Vũng Tàu (8 tàu đi lên phía Bắc, 2 tàu chìm, 2 tàu không liên lạc được), cố gắng thông báo cho 2 tàu còn lại di chuyển đến nơi an toàn, có biện pháp hỗ trợ 8 tàu; đối với tàu tỉnh Bình Thuận, đề nghị thông báo để không có tàu trong vùng nguy hiểm. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị Bộ Ngoại giao có thông báo đến các nước. Bộ Giao thông Vận tải rà soát hoạt động vận tải vãng lai. Về nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản thông báo cho các đối tượng nuôi xa (Kiên Giang), nuôi gần bờ để đảm bảo an toàn. Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thông báo cho các tỉnh ĐBSCL đề phòng tố lốc, các đối tượng bị ảnh hưởng (nhóm 1 cấy muộn, nhóm 2 đang nuôi trồng thủy sản trái vụ yêu cầu chú ý), với tinh thần đây là cơn bão nguy hiểm, cần có các giải pháp ứng xử phù hợp với tình hình. Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (tính đến 6 giờ ngày 2.1.2019) và các địa phương, Bộ đội biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn, kiểm đếm cho 76.054 phương tiện/405.607 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để di chuyển phòng tránh, hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Về tàu lao động BTh 98974TS/18 (neo đậu gần nhà dàn Tư Chính), đã điều tàu hải quân đến hỗ trợ. Đến 15 giờ 30 ngày 1.1.2019, đã tiếp cận được và có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu và ngư dân. Về 12 tàu/75 lao động của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị mất liên lạc, theo báo cáo trực tiếp của Ban chỉ huy tỉnh, hiện đã liên lạc được với 8 tàu, 2 tàu chưa liên lạc được, 2 tàu bị chìm, hiện gia đình và cơ quan chức năng đang tiếp tục cập nhật.
Theo báo Tin tức