Chuyển đổi số

Báo in thời công nghệ số

NGUYỄN TRI THỨC 19/06/2024 10:00

Trong hệ sinh thái truyền thông số hiện nay với nhiều loại hình truyền thông mới, nhất là sự chiếm lĩnh của mạng xã hội, báo in buộc phải tìm giải pháp để thích nghi, tồn tại.

dsc_5633.jpg
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng thăm, động viên Phòng Thư ký tòa soạn Báo Hải Dương

Báo in phải đổi thay, nâng cấp cả hai yếu tố nội dung và hình thức trình bày. Không chỉ thế, báo in còn buộc phải ứng dụng công nghệ số để tiếp cận được đối tượng công chúng rộng rãi hơn.

Vì sao số báo Nhân Dân ngày 7/5 "cháy hàng"?

Tháng 5/2024, một sự kiện trong làng báo Việt Nam xuất hiện, đầy ngỡ ngàng, khi số báo đặc biệt phát hành ngày 7/5 của Báo Nhân Dân đã “cháy hàng” từ sáng. Điều đặc biệt là rất nhiều bạn trẻ có thể chưa từng đọc báo Nhân Dân lại sốt sắng “săn lùng” số báo này. Tại sao lại có hiện tượng khác thường này?

Lý do thật đơn giản, đó là việc Báo Nhân Dân tích hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) lên báo in, với bản phụ trương tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Bạn đọc có thể cắt, ghép 4 trang báo in thành bức tranh panorama dài 3,21 m và tương tác với tranh thông qua công nghệ AR hoặc quét mã QR. Công nghệ này cho phép người dùng xem một bức tranh panorama động trong chiều không gian vật lý.

Không phải ai cũng có cơ hội đến Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để được xem tận mắt bức tranh toàn cảnh tái hiện chiến dịch một cách chân thực, sống động, hùng tráng. Vậy nên, số báo in với việc ứng dụng công nghệ giúp bạn đọc như được tận mắt thấy bức tranh toàn cảnh quý giá, tái hiện chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã “cháy hàng”, khiến Báo Nhân Dân tìm phương án thu hút nguồn xã hội hóa để in 100.000 bản phụ trương tặng miễn phí bạn đọc trong cả nước.

Đó là điểm sáng hiếm hoi đối với báo in Việt Nam, một sự kiện thực sự đặc biệt thu hút sự chú ý của báo giới và công chúng. Nhưng chúng ta vẫn phải nhìn thẳng vào thực tế, vẫn phải nhắc lại rằng, kể từ khi các phương tiện truyền thông mới, nhất là truyền thông xã hội, điển hình như Facebook, YouTube, TikTok... xuất hiện, báo chí truyền thống đã bị tác động đáng kể. Không ít tờ báo in, kể cả những tờ báo có truyền thống, nổi tiếng trên thế giới cũng phải ngừng phiên bản báo in. Ví như một trong những tờ báo uy tín hàng đầu của Anh là The Independent (Độc lập) đã ngừng xuất bản báo giấy từ ngày 26/3/2016; nhật báo Wiener Zeitung của Áo - tờ báo in quốc dân lâu đời nhất thế giới - đã phát hành bản in cuối cùng hôm 30/6/2023, sau 320 năm hoạt động...

Với những tờ báo in đang hoạt động, số lượng phát hành sụt giảm một cách khủng khiếp và chắc chắn sẽ chưa dừng lại, kể cả những tờ báo nổi tiếng thế giới như: New York Times, Washington Post, Los Angeles Times... Trong bối cảnh đó, báo chí buộc phải tìm hướng thích nghi, tồn tại, khẳng định vai trò, vị thế của mình.

ng dụng công nghệ mới

Tôi bất chợt nhớ tới câu chuyện khi trao đổi với Giáo sư Antoine Char (Trường Đại học Quebec ở Montreal, Canada) vào tháng 7/2019. Vị giáo sư nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy báo chí - truyền thông có nói đại ý rằng, khủng hoảng báo chí ở Canada nói riêng, trên thế giới nói chung đều bắt nguồn từ internet...

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu đưa ra giải pháp thì nhiều người sẽ cho là không nghiêm túc, bởi báo chí thế giới đang đứng giữa ngã ba đường. Nhưng theo ông, “có một điều chắc rằng, 100 năm nữa báo in vẫn tồn tại và thế hệ sau vẫn bàn về câu chuyện khủng hoảng báo chí như hiện nay...”. Ông cũng cho rằng, báo chí Canada đang đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc, chỉ chưa đầy 50% số người dân tin vào báo chí. Nguyên nhân có nhiều, nhưng nổi cộm nhất là do báo chí tập trung quá nhiều vào những tin tức giật gân, gây sốc, bê bối mà ít tập trung vào những vấn đề cốt lõi của đất nước, xã hội. Giáo sư Antoine Char cũng cho rằng, báo chí chưa tìm hiểu tầng sâu, căn cốt, bản chất của đa số các sự kiện, vấn đề.

Cũng trong chuyến công tác này, trong một buổi làm việc, Giáo sư Colin MacKenzie (Trường Đại học Toronto, Canada) khẳng định, báo chí thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó vấn đề lớn nhất là làm thế nào để thuyết phục bạn đọc bỏ tiền ra mua sản phẩm của mình. Một hướng đi, đó là làm báo chuyên biệt về một chủ đề, lĩnh vực nào đó. Với một số tờ báo ở các quốc gia khác, điển hình là Mỹ, việc chú trọng đầu tư, đeo đuổi mục đích thông tin chuyên sâu, chuyên biệt, chuyên đề một cách công phu, độc đáo, đa diện, nhiều chiều, mang tính tranh biện, lý giải, chứng minh đã mang đến những thành công bước đầu.

Tại Việt Nam, tình trạng này cũng xảy ra đã lâu. Chính đề tài luận án tiến sĩ báo chí học của tôi cũng làm về xu hướng phát triển thông tin chuyên đề trên báo in Việt Nam. Và từ tháng 8/2016, khi tôi bảo vệ thành công luận án cấp học viện, xu hướng này trên báo chí Việt Nam ngày càng thể hiện rõ nét hơn, cả đối với báo chí Trung ương và địa phương. Rất nhiều cơ quan báo chí đã tập trung những thông tin chuyên đề chuyên sâu, chuyên biệt với những góc nhìn đa chiều, sự phân tích, lý giải thấu đáo, căn cốt để giúp bạn đọc hiểu rõ chủ đề được nêu ra, từ đó có thể dễ dàng tin tưởng và làm theo. Đó cũng chính là cách báo chí chính thống góp phần khẳng định vai trò, vị trí của mình trên mặt trận thông tin hết sức đa dạng, phức tạp hiện nay.

Không chỉ về mặt nội dung, báo in cũng cải tiến mạnh mẽ, quyết liệt trong việc trình bày, với những sự thay đổi về hình thức từng tác phẩm báo chí, cũng như cả số báo, nhất là tại trang nhất. Báo in không chỉ cung cấp cho bạn đọc thông tin chữ viết, hình ảnh tĩnh đơn thuần, ít được trau chuốt mà đã sử dụng nhiều thông tin đồ họa (infographic) hơn, chú ý đến yếu tố nhiều “cửa sổ” cho từng bài báo với các tít dẫn, tít chính, tít phụ, lời dẫn, hộp dữ liệu thông tin, hình ảnh được chú trọng đầu tư; mở ra cửa sổ quét mã QR... Sự thay đổi này cũng như việc “đãi cát tìm vàng” để cung cấp cho bạn đọc những nội dung quan trọng nhất, dễ thấy nhất, hấp dẫn nhất một cách nhanh chóng nhất chỉ qua việc xem, đọc vài “cửa sổ” nổi bật trong tác phẩm, cũng như cả ấn phẩm.

Với những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật, với công cuộc chuyển đổi số ngày càng len lỏi, xâm nhập sâu rộng hơn vào đời sống con người, việc báo in thay đổi là điều đương nhiên. Tất nhiên, không phải khi nào cũng có thể ứng dụng công nghệ số như trường hợp vừa qua với Báo Nhân Dân. Không phải cơ quan báo chí nào cũng có thể có sản phẩm báo chí giúp bạn đọc tương tác khi dùng điện thoại thông minh quét các mã QR trên tranh hoặc tải ứng dụng xem hình ảnh chuyển động bằng công nghệ AR. Nhưng rõ ràng, đây là một trong những xu hướng tích hợp công nghệ trên báo in để thu hút công chúng. Sự đổi thay để phù hợp là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Và đó cũng là cách thức để chúng ta thích nghi với chuyển đổi số báo chí đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, nhanh chóng.

Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, trên nền vải toan, trong không gian 360 độ, dài 132 m, cao 20,5 m, đường kính 42 m với tổng diện tích 3.225 m² tái hiện sống động hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với phần nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các hiện vật, tạo nên không gian vừa thực vừa ảo, gây ấn tượng mạnh với thị giác người xem. Bức tranh gồm 4 trường đoạn: “Toàn dân ra trận”, “Khúc dạo đầu hùng tráng”, “Cuộc đối đầu lịch sử” và “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”.

NGUYỄN TRI THỨC
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo in thời công nghệ số