Báo hiếu khi cha mẹ còn

17/08/2016 19:01

Gia đình ông Tư, bà Tuất từ xưa vốn có tiếng gia phong nền nếp. Người trong làng, ai cũng lấy đó làm gương.



Ảnh minh họa

Các con của ông bà đều thành đạt, người làm bác sĩ, người dạy học công tác trên tỉnh, dưới huyện, đủ cả. Niềm vui lớn nhất với ông bà là mỗi dịp giỗ chạp, con cháu quây quần, đàn ông nâng vài chén rượu, phụ nữ râm ran nói cười, tiếng nô đùa của đám trẻ...

Chuyện sẽ không có gì nếu như không bắt nguồn từ những trái khoáy của vợ chồng anh Tửu - con trai thứ của ông bà. Anh Tửu vốn là bác sĩ ở một bệnh viện tỉnh, kinh tế khá giả nhưng nhu nhược. Việc lớn, việc nhỏ trong gia đình, vợ anh mới là người quyết định. Lần cưới con bác cả, anh Tửu muốn có chút quà cho ra tấm ra món mừng cháu vì chẳng gì anh cũng là chú ruột, lại có điều kiện nhất nhà. Nhưng mới hở ra, anh đã bị vợ dập tắt ngay ý định. "Tôi với anh lấy nhau ngần ấy năm đã có ai cho cái gì đáng giá bao giờ chưa?", chị vợ đay nghiến. Lâu dần, mối quan hệ giữa vợ chồng anh với bố mẹ, anh chị em trong gia đình rạn nứt. Những lần về quê của vợ chồng anh Tửu cũng thưa dần. Ðã vậy, cứ mỗi lần về là y rằng vợ anh lại gây sự, kiếm chuyện đôi co với các em, thậm chí với cả mẹ chồng. Ông Tư, bà Tuất buồn lắm, nghĩ chắc khó có thể khuyên giải được nàng dâu. Thôi thì ông đành gọi riêng con trai về bảo ban, khuyên nhủ.

Anh Tửu nghe những lời răn dạy của bố mẹ rất chí lý, chí tình. Nhưng về nhà, nghe vợ thao thao một hồi, anh thấy cũng đúng. Chẳng hiểu thế nào, từ sau lần gọi con về khuyên nhủ, ông Tư bà Tuất tuyệt nhiên không thấy vợ chồng anh Tửu về thăm lấy một lần. Suy nghĩ nhiều, bà Tuất sinh bệnh. Bà nằm liệt giường tới nửa năm có lẻ cũng không thấy bóng con trai, con dâu thứ đâu. Có lúc nằm trên giường bệnh, bà buột miệng hỏi ông Tư: "Chắc kiếp trước tôi ăn ở không ra gì nên kiếp này mới sinh ra thằng con bất hiếu này?". Ông Tư chỉ biết nuốt nỗi đau vào trong. Ðớn đau nhất là ngày bà Tuất về với tổ tiên, vợ chồng, con cái anh Tửu không về chịu tang. Anh em trong nhà không ai nghĩ anh Tửu lại đổ đốn ra thế. Còn ông Tư ở tuổi cao, ông cùng lúc chịu hai cú sốc lớn: mất vợ, mất luôn cả đứa con trai. "Ngày mẹ nó mất mà nó cũng không có mặt. Từ nay, tôi cũng không có đứa con này", ông Tư tuyên bố từ mặt anh Tửu.

Chuyện nhà ông Tư chẳng mấy chốc đã lan truyền khắp làng trên, xóm dưới. Gia đình ông Tư từ một tấm gương về nền nếp gia phong, nay trở thành chủ đề bàn tán ở ngã ba, ngã tư đường làng. Ông Tư và các con cứ ra đường là rát tai với những câu nói: "Anh Tửu là người có ăn có học, chẳng lẽ lại cạn nghĩ thế sao?", rồi "Nhu nhược thì cũng vừa vừa thôi chứ? Ðể vợ cưỡi lên đầu lên cổ thì chẳng đáng mặt đàn ông".

Tuy đối xử với bố mẹ chồng chẳng ra gì nhưng từ hôm bà Tuất mất, vào mùng một, hôm rằm, người ta vẫn thấy vợ anh Tửu mua đồ về thắp hương, khấn vái tổ tiên có vẻ rất bài bản. Năm nay, chuẩn bị đến rằm tháng bảy, chị còn sắm nhiều hơn mọi năm, ai hỏi chị ta cũng bảo đốt cho mẹ chồng mới mất. Một số người hàng xóm biết chuyện, xì xèo: "Từ hôm mẹ mất đến giờ còn chưa vác mặt về, không biết vợ chồng anh Tửu thờ cúng mẹ hay thờ cúng ai? Lúc bà cụ còn sống thì chẳng đối xử cho tốt. Chết rồi, đốt vàng mã bà cụ có mang đi được đâu".

Những lời nói kia như xát muối vào lòng anh Tửu. Càng ngẫm anh càng thấy người ta nói đúng quá. Anh tự trách mình đã không chịu quyết đoán trong mọi việc, nhất là hôm mẹ mất, chỉ vì tiếc chuyến đi du lịch nước ngoài đã đặt vé sẵn mà chị vợ nhất định không chịu cho anh về, mặc dù khi hay tin anh chị còn chưa lên máy bay.

Hôm nay tan giờ làm về nhà, vô tình anh Tửu nghe được câu chuyện giữa ông bố vợ và vợ, anh đã choàng tỉnh sau bao u mê:

- Nghe các cháu bảo hôm bà thông gia mất các con không có mặt ư? Các cụ bảo "Nghĩa tử là nghĩa tận", có chuyện gì còn quan trọng hơn cả chuyện ấy nữa hả con? Hôm nay bố từ miền Nam ra cũng là để về thắp hương cho bà lão, tạ lỗi với ông thông gia vì xa xôi quá nên biết tin mà không sao ra ngay được. Thế mà các con ăn ở đối xử như thế thì bố còn mặt mũi nào nữa.  Báo hiếu với ông bà, cha mẹ phải bắt nguồn từ những việc thường ngày, ngay khi ông bà, mẹ cha còn sống. Người thân mất đi rồi, con mới mâm cao cỗ đầy, đốt vàng, đốt mã thì đã quá muộn, có ý nghĩa gì nữa đâu.

Sau một phút định thần, anh Tửu xô cửa bước vào nói như trút bao nỗi uất hận vào vợ:

- Cô có nghe thấy bố vừa nói gì không? Tôi đúng là thằng nhu nhược nên mới để cô muốn làm gì thì làm. Tôi đang bị người đời cười vào mặt kia kìa vì mẹ mất cũng không về chịu tang. Từ nay trở đi tôi không bao giờ nghe cô nữa. Cô không về thì bố con tôi về.

- Ðể bố về cùng các con, về mà tạ lỗi với ông thông gia. Các con phải quỳ xuống mà xin vong linh bà thông gia tha thứ cho. Bà ấy là người rộng lượng, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, nhất là đứa con mình dứt ruột đẻ ra con ạ. 

Chị vợ biết mình đã sai, không dám hé nửa lời...

TƯỜNG VI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo hiếu khi cha mẹ còn