“Báo hiếu”

28/08/2011 07:05

Việc lo hậu sự cho mẹ, tôi đề nghị bảy anh em, mỗi người tạm thời góp 10 triệu đồng. Còn tiền sắp lễ cúng ba ngày, tuần đầu sẽ tính sau...



Là con trưởng, lại là trưởng tộc dòng họ Phạm Văn nên việc đại sự nhà ông Ba cũng là đại sự của cả họ. Hôm mẹ ông mất, ông Ba tổ chức họp họ, phân công công việc cụ thể cho từng người. Riêng bảy anh em nhà ông phải ngồi lại, cùng bàn chuyện đóng góp tiền bạc, tổ chức cỗ bàn, đón tiếp khách. Ông Ba bảo với các em: "Lệ làng ta xưa nay xem trọng lễ, nghĩa, nhất là việc ma chay, cưới hỏi. Nay mẹ về già ở tuổi thượng thọ, lại là dâu trưởng một họ lớn trong làng, anh em ta nhất định phải báo hiếu mẹ cho đàng hoàng. Vả lại, cũng để cho thiên hạ nhìn vào, người ta nể phục cái uy một họ lớn, gia phong hiếu đạo của nhà mình. Việc lo hậu sự cho mẹ, tôi đề nghị bảy anh em, mỗi người tạm thời góp 10 triệu đồng. Còn tiền sắp lễ cúng ba ngày, tuần đầu sẽ tính sau". Ông Ba vừa dứt lời, em rể ông lên tiếng hỏi: "Anh tính làm đám cho mẹ những gì mà góp nhiều thế, bảy anh góp vào thành 70 triệu đồng chứ có ít đâu?". Ông Ba phân trần: "Chú ở nơi khác nên không biết tục lệ ở đây. Riêng tiền mua quan tài, thuê gánh kèn, trống, khóc mướn cũng đã hết hơn 20 triệu rồi, cỗ bàn trong 2 ngày làm đám phải gần 200 mâm, mỗi mâm cũng phải 10 món, anh tính 10 triệu đồng một người vẫn còn thiếu. Nhưng thôi, thiếu ta góp tiếp". Vốn là nông dân chất phác, việc đóng một khoản tiền lớn sắp cỗ bàn linh đình, rồi những hủ tục ma chay rườm rà làm ông em rể thấy xót nên ông lên tiếng: "Ở quê tôi, việc lo ma chay cho cha mẹ phần lớn là của con trai, bởi các anh được hưởng đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của cha mẹ để lại, con gái đi lấy chồng có được hưởng gì đâu mà khi bố mẹ mất lại bắt đóng góp kiểu chia đều như thế?". Rồi ông dứt khoát: "Các anh muốn mở cỗ bàn thế nào tùy ý, tôi chỉ góp với các anh 1 triệu đồng, coi như góp vào hương hoa". Lời em rể như gáo nước lạnh dội vào ông Ba, mặt ông đỏ phừng phừng, máu gia trưởng trào lên, ông đập mạnh tay xuống bàn rồi chỉ thẳng mặt em rể, giọng rít lên: "Đồ bất hiếu, mày làm xấu mặt gia đình tao. Hôm nay không góp đủ 10 triệu đồng mày đừng hòng bước ra khỏi đây". Thấy hai anh em to tiếng, những người ngồi đấy vội can ngăn, những người bên ngoài cũng mở cửa vào xem. Ông Ba càng được thể ra uy: "Mày mà bàn lui, tao cho chúng nó gô cổ vào". Em rể ông cũng chẳng vừa, nhặt ngay con dao gọt hoa quả trên bàn giơ lên thách thức: "Thằng nào vào, tao cho đi luôn". Lời qua, tiếng lại giữa ông Ba, em rể và những người can ngăn ồn ào như một phiên chợ. Phải mất nhiều tiếng sau, chính quyền đến can thiệp, không khí mới tạm lắng xuống để chuẩn bị cho tiếng kèn, trống, khóc thuê vang lên...

VĂN HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Báo hiếu”