Báo hiếu

08/12/2014 13:59

Từ ngày ông Mười mất, bà Mười cứ lủi thủi một mình.



Ông bà có những năm người con, ba trai, hai gái, gần hai chục đứa cháu và chắt nhưng nay đã ngoài 80 tuổi mà bà Mười vẫn tự nấu cơm, ăn một mình. Hai cô con gái lấy chồng làng bên, thi thoảng biếu bà ít tiền ăn quà vặt nhưng bà toàn để dành rồi lại cho cháu và chắt nội. Biết vậy hai cô không cho tiền nữa, thi thoảng về thăm, hai cô chỉ mua cho bà đồng quà tấm bánh. Ba người con trai được ông bà xây cho ba cái nhà tầng khang trang nằm kề nhau ngay cạnh ngôi nhà ngói nhỏ bé của ông bà. Ba nàng dâu lần lượt đón bà sang ở cùng để “tiện chăm sóc” nhưng chỉ được một thời gian ngắn là bà đòi về nhà mình vì cảm thấy mất tự do. Ở với con cháu, bà không được nhổ bã trầu thoải mái, hễ bà nhổ không đúng chỗ quy định thì con dâu lườm nguýt, con trai tỏ ra khó chịu. Bà không được ăn cơm đúng giờ vì các con các cháu đi làm về muộn, thậm chí bà còn phải nấu cơm cho cả nhà chứ con cháu làm gì có thời gian chăm sóc bà như lời nói lúc đón bà sang. Nghĩ đi nghĩ lại, bà tuyên bố: “Từ nay tôi về nhà tôi, tôi không đi đâu hết. Sau này tôi chết, các anh các chị muốn khuân đi đâu thì đi”.

Đến ngày giỗ ông Mười lần thứ ba, ba người con trai họp bàn và quyết định tổ chức thật linh đình để “báo hiếu” cha, để bà Mười được mát lòng mát dạ. Anh thì chức trọng quyền cao, anh thì đi nước ngoài lao động cả chục năm trời, anh thì kinh doanh buôn bán, ai cũng có nhiều mối quan hệ thân quen. Đám giỗ bắc rạp từ hôm trước và thuê người nấu cỗ những mấy chục mâm. Ba nàng dâu đi sắm đồ vàng mã để đầy một gian nhà: nào là ô-tô, xe máy, nhà lầu, bếp ga, tủ lạnh, đồng hồ, comple, cà vạt, vàng lá, vàng thỏi, đô la... hàng trăm thứ không thể kể hết. Nhìn đống vàng mã ngồn ngộn ấy, có đứa cháu nội của bà Mười buột miệng: “Lúc sống ông có được sử dụng những thứ này đâu, giờ gửi cho ông chắc ông xếp xó”. Cô con dâu trưởng trừng mắt: “Mày biết gì mà nói. Trần sao âm vậy, ông không biết khắc có người biết sẽ hướng dẫn ông sử dụng được hết”. Đứa cháu bụm miệng cười quay đi.

Sau đám giỗ, ba anh con trai ngồi kiểm phong bì. Hai cô con gái thì ý kiến rằng: “Được bao nhiêu để cho mẹ dưỡng già, còn làm giỗ cha hết bao nhiêu thì anh em đóng góp”. Nhưng anh trưởng không đồng ý: “Được bao nhiêu thì chi cho đám giỗ, còn thừa thì tôi giữ để tôi lo cho mẹ”. Thế là hai anh kia trợn mắt lên: “Anh đừng cậy là trưởng mà muốn làm gì thì làm. Anh mà lo được cho mẹ thì từ nay chúng tôi mặc kệ”. “Mẹ là mẹ chung. Các chú nói thế mà nghe được à”. Thế là lời qua tiếng lại, cộng với hơi men có sẵn trong người, anh con trai út rút dép chỉ thẳng vào mặt anh trưởng: “Ông không xứng mặt là anh cả”. “Cút! Ra khỏi nhà tao ngay!”. Cũng nhờ hàng xóm thấy to tiếng nên chạy sang ngăn cản, nếu không chưa biết sẽ có chuyện gì xảy ra.

Bà Mười ở nhà bên thấy các con lớn tiếng bèn lật đật chống gậy sang xem sự thể thế nào. Nghe thủng câu chuyện, hai dòng nước mắt của bà rỉ ra từ hai hốc mắt trũng sâu. Bà rên rỉ: “Thế là hỏng hết rồi! Hỏng hết rồi con ơi! Công lao cha mẹ nuôi dạy các con mấy chục năm trời giờ đổ xuống sống xuống biển rồi. Báo hiếu thế này thì báo hiếu làm gì hả con. Cha chúng mày ở dưới suối vàng làm sao mà yên lòng được. Thôi, từ nay về sau đừng bày vẽ cúng giỗ làm gì. Có hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì chỉ cần nén hương với bát cơm, quả trứng là được rồi”.

Từ đó ba anh con trai không thèm nhìn mặt nhau, hai cô con gái giận các anh nên cũng chỉ về thăm mẹ thôi. Được ít ngày sau đám giỗ ông Mười, bà Mười ốm nặng, phần vì nghĩ ngợi, phần vì bị cảm nên bà nằm liệt giường. Hai anh con trai thứ một mực đổ dồn trách nhiệm chăm sóc mẹ cho anh trưởng. Lấy cớ một mình chăm sóc mẹ, anh trưởng giành luôn mảnh đất có ngôi nhà nhỏ của bà Mười bằng cách giục bà điểm chỉ vào tờ di chúc trong lúc bà đang ốm thập tử nhất sinh.

Khi bà Mười qua đời, mọi chuyện vỡ lở, hai người con thứ của bà rủ nhau viết đơn kiện người anh trưởng vì mảnh đất. Nếu đem chia đều mảnh đất làm ba, làm năm thì mỗi người cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng tình nghĩa anh em thì có tiền tỷ cũng không mua lại được. Từ đó, mỗi khi giỗ, Tết, ba người con trai của ông bà Mười đều tự cúng riêng, nhà nào cũng đốt thật nhiều vàng mã để tỏ lòng “hiếu” với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

TRẦN THỊ LÀNH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo hiếu