Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, sức mua hàng hóa đang tăng dần.
Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn đồng chí Phạm Thanh Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương về tình hình cung cầu hàng hóa dịp Tết năm nay.
- Sở Công thương dự đoán thế nào về nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, thưa đồng chí?
- Dự báo sức mua hàng hoá trong dịp Tết Kỷ Hợi sẽ tăng khoảng 16-18% so với Tết Mậu Tuất năm 2018. Nhu cầu của nhân dân tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như gạo tẻ ngon, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá tươi, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước ngọt, dầu ăn, hàng may mặc, giầy dép, nhiên liệu và một số mặt hàng nông sản như rau, củ, quả.
Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, người dân có xu hướng mua tích trữ với số lượng vừa đủ. Do đó, sức mua sẽ tăng cao những ngày áp Tết (khoảng từ ngày 25 - 30 tháng chạp) và những ngày sau Tết (từ ngày 3 - 15 tháng giêng). Năm nay, dự kiến khối lượng hàng hóa tiêu thụ khoảng từ 3.000 - 4.000 tấn thịt lợn, 400 - 500 tấn thịt gà, 800 - 1.000 tấn thuỷ hải sản, 500 - 600 tấn giò lụa, 1 - 1,2 triệu quả trứng, 10.000 - 12.000 tấn rau, củ, quả...
Đối với nhóm hàng thực phẩm công nghệ, nhu cầu tiêu dùng sẽ tập trung vào các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao có mẫu mã, bao bì đẹp và đồ uống có độ cồn thấp như bia, rượu vang; sức mua tập trung từ ngày 15 - 30 tháng chạp. Người dân sẽ tiêu thụ khoảng từ 700 - 800 tấn bánh mứt kẹo và 15.000 - 17.000 lít rượu, bia, nước ngọt.
- Để hàng hóa không rơi vào tình trạng khan hiếm giả, gây sốt giá, sở sẽ triển khai những biện pháp gì?
- Năm nay, sở đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và phân phối lên kế hoạch chi tiết, cụ thể để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Đưa ra được số lượng hàng hóa cụ thể và tính toán được khả năng cung ứng và chi phối thị trường…
Các doanh nghiệp phân phối có kế hoạch kinh doanh đối với từng mặt hàng thiết yếu, đồng thời đặt hàng sớm các doanh nghiệp sản xuất để chủ động hơn trong quá trình cung ứng hàng hóa. Sở đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Long Hải, Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Dương và các doanh nghiệp sản xuất bánh đậu xanh, bánh kẹo nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm đủ nguồn hàng; tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, cam kết không tăng giá đột biến, nhất là vào những ngày áp Tết, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, quản lý các siêu thị như Big C, Intimex, Lan Chi Mart, Vinmart+... xây dựng và triển khai phương án dự trữ hàng hóa bảo đảm cung ứng hàng hóa kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá đột biến, nhưng cũng không để hàng tồn đọng sau Tết; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tổ chức mạng lưới bán hàng tại các địa phương, góp phần bình ổn thị trường, nhất là địa bàn nông thôn, vùng xa trong tỉnh.
Về giá bán, năm nay nhiều doanh nghiệp đã cam kết ổn định, không tăng giá. Các doanh nghiệp cũng đăng ký với Sở Công thương kế hoạch khuyến mãi, giảm giá bán hàng thiết yếu để hỗ trợ người nghèo. Sở đã đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ban quản lý chợ chịu trách nhiệm về quản lý giá, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp lệnh về giá; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thực hiện văn minh thương mại, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá dịp Tết.
- Xin cảm ơn đồng chí!
LAN ANH (thực hiện)