Trong điều kiện Hải Dương phải thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để ứng phó với dịch Covid-19, chính quyền, cơ quan chức năng và người dân đang nỗ lực, khẩn trương gieo cấy lúa chiêm xuân theo lịch thời vụ.
Đến ngày 22.2, toàn tỉnh đã đạt khoảng 75% kế hoạch gieo cấy
Khắc phục khó khăn
Hải Dương bước vào sản xuất lúa chiêm xuân (LCX) trong hoàn cảnh khó khăn khi một số địa phương, khu vực trong tỉnh phải phong tỏa vì dịch bệnh. Nhiều nông dân là F1, F2 nên không thể ra đồng gieo cấy. Đặc biệt khi thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh cũng là lúc cao điểm gieo cấy. Trước những bất cập này, ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp đã chủ động nhiều giải pháp tháo gỡ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch gieo cấy LCX theo đúng khung thời vụ.
Để chia sẻ khó khăn với những nông dân phải cách ly tập trung và tại nhà, nhiều tổ chức đoàn thể đã vận động hội viên tranh thủ thời gian giúp đỡ các hộ gieo cấy cho kịp thời vụ. Tại các vùng dịch, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên các cấp đã nhanh chóng vào cuộc để chung tay hỗ trợ người dân. Nhờ vậy, sản xuất không bị gián đoạn nhiều. Hàng trăm ha rau màu, LCX được thu hoạch gieo cấy nhờ nghĩa tình của xóm làng và sự giúp sức của đoàn thể, nhất là ở điểm “nóng” của dịch là TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và huyện Cẩm Giàng. Mỗi người một công, một việc làm ngày không hết thì tận dụng cả ban đêm để chạy đua với thời vụ. Chị Nguyễn Thị Chính, ở phường An Lạc (TP Chí Linh) bày tỏ: “Thấy nhà khác lúa đã lên xanh mà ruộng của những hộ phải đi cách ly vẫn khô đất nên chúng tôi cũng sốt ruột thay. Vì thế mỗi người một chân, một tay đỡ đần nên chẳng mấy chốc gieo cấy xong”.
Nông dân Kinh Môn chuẩn bị mạ để gieo cấy tập trung trong những ngày tới
Những năm gần đây, nhiều nơi trong tỉnh phát triển cấy máy để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, khi tỉnh thực hiện giãn cách, nhiều chốt kiểm soát được lập nên việc di chuyển máy cấy sang địa phương khác cấy thuê gặp khó dẫn đến tình trạng ruộng chờ mạ, chờ máy. Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương tạo điều kiện cho máy cấy hoạt động. Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Nhờ tháo gỡ vướng mắc kịp thời nên cấy máy đã thuận lợi hơn. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng dựa vào thực tế sản xuất có thể khẳng định diện tích cấy máy vụ này sẽ cao hơn vụ trước. Trong đó, các huyện có diện tích cấy máy lớn là Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Thanh Hà”.
Nhờ chủ động trong chỉ đạo sản xuất mà gieo cấy LCX ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến ngày 22.2, toàn tỉnh gieo cấy được khoảng 42.000 ha, đạt 75% kế hoạch gieo cấy. Các huyện, thành phố đã gieo cấy đạt từ 80-90%, phấn đấu gieo cấy xong trước ngày 28.2. Riêng thị xã Kinh Môn do thu hoạch hành, tỏi muộn nên mới bắt đầu gieo cấy tập trung từ ngày 21.2 và dự kiến đến ngày 5.3 sẽ hoàn thành gieo cấy, bảo đảm lịch thời vụ.
Kiên quyết không để ruộng hoang
Mặc dù sản xuất LCX không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 song hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Việc vận chuyển vận tư nông nghiệp từ tỉnh ngoài vào phục vụ sản xuất vụ chiêm xuân rất chậm do tâm lý e ngại vùng dịch. Công tác giám sát, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đồng ruộng bị hạn chế do thực hiện giãn cách xã hội. Một số bất cập trong sản xuất như còn diện tích cây vụ đông chưa được giải phóng, nhiều nơi trong khu phong tỏa người ở trong không được ra ngoài và người ngoài không được vào trong và những diện tích bị bỏ hoang nhiều năm khiến nguy cơ gia tăng diện tích ruộng không gieo cấy trong vụ này. Để tháo gỡ, UBND tỉnh đã giaoUBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cấp xã bảo đảm việc tổ chức sản xuất diễn ra bình thường, kể cả trong khu vực phong tỏa và các hộ có trường hợp F2 phải cách ly tại nhà nhưng bảo đảm các quy định phòng chống dịch trong quá trình sản xuất. Lãnh đạo UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm hướng dẫn và giám sát sản xuất tại các khu vực này.
Máy cấy có thể ra vào các chốt kiểm soát, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ gieo cấy
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã đề nghị các địa phương đến ngày 25.2 phải thống kê diện tích chưa gieo cấy trên địa bàn, bao gồm cả diện tích có thể cấy lấn và diện tích đã quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng song chưa đền bù, giải phòng mặt bằng để sở tổng hợp, lên phương án gieo cấy tiếp. Ưu tiên giao cho các tổ chức đoàn thể hoặc các hộ có nhu cầu tích tụ ruộng đất để gieo cấy hết diện tích. “Trong mọi điều kiện, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bỏ ruộng hoang trên địa bàn tỉnh. Không vì dịch bệnh mà làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất vụ chiêm xuân của các địa phương”, đồng chí Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trần Văn Quân khẳng định.
DŨNG CƯỜNG