Để cách ly F1 tại nhà hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người cách ly và các cơ quan quản lý.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế, điều kiện để F1 được cách ly tại nhà là nhà có ít nhất từ 2 phòng trở lên, trong đó có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Với nhà ở nông thôn có thể dùng chung nhà vệ sinh, nhưng người cách ly và thành viên gia đình phải bố trí thời gian, tránh tiếp xúc và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp... Thời gian đối với F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà và tiêm đủ vaccine hoặc đã từng mắc Covid-19 giảm còn 7 ngày cách ly y tế và 7 ngày tự theo dõi sức khỏe thay vì 14 ngày cách ly y tế như trước đây.
Thực tế cho thấy việc cách ly tại nhà mang lại nhiều lợi ích. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, số F1 gia tăng như hiện nay, kinh phí, con người dành cho công tác phòng chống dịch rất lớn. Vì thế, việc không phải thành lập các khu cách ly tập trung sẽ giảm đáng kể chi phí. Đối với các F1 là người già, trẻ em và người có bệnh nền, khi được cách ly tại nhà cũng thuận tiện hơn cho người nhà chăm sóc, quản lý. Việc được cách ly tại nhà còn giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly đông người...
Bên cạnh những lợi ích, hình thức cách ly này đang bộc lộ những bất cập. Có nhiều lực lượng tham gia quản lý các F1 tại nhà nhưng trọng tâm vẫn là giao cho các tổ ''Covid cộng đồng'', cán bộ y tế... Song các tổ "Covid cộng đồng" tại các địa phương rất nhiều nhiệm vụ, không phải lúc nào cũng kiểm soát được hết các F1. Để lấy mẫu xét nghiệm, cán bộ y tế phải đi từng nhà, mất rất nhiều thời gian và cũng tiềm ẩn nguy cơ thành nguồn lây lan dịch. Trên thực tế, tại TP Hải Dương, khi để F1 cách ly tại nhà đã làm lây lan dịch, khiến cho gia đình đó trở thành chùm ca bệnh. Nếu F1 cách ly tại nhà trở thành F0, khi đó sẽ xảy ra việc phải phong tỏa cụm hoặc khu dân cư, lấy mẫu cho những người trong gia đình để xét nghiệm. Đó là chưa kể thực tế đã có người cách ly tại nhà nhưng không tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, vẫn tiếp xúc với người thân trong gia đình hoặc đi lại, khi được xác định dương tính trở thành nguồn lây lan dịch bệnh. Tại TP Hải Dương, huyện Kim Thành có trường hợp F1 cách ly tại nhà đã làm lây lan dịch, khiến gia đình đó trở thành chùm ca bệnh. Một số người không muốn cách ly tại nhà do lo lắng sẽ lây bệnh cho những người thân. Đối với các F1 đã hoàn thành cách ly, trước đây sẽ được xét nghiệm bằng phương pháp PCR nhưng hiện nay đã chuyển sang test nhanh làm cơ sở cho việc kết thúc cách ly. Nhiều người lo lắng kết quả của việc sử dụng test nhanh đôi lúc chưa chính xác...
Tại Hội nghị lần thứ 48 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sáng 21.12, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tiễn tại địa phương có hướng dẫn thống nhất trong tỉnh về thực hiện các biện pháp cách ly F1, điều trị F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại nhà.
Để cách ly F1 tại nhà hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người cách ly và các cơ quan quản lý. Người cách ly cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Trong thời gian cách ly phải ở trong phòng, không được ra bên ngoài, không được tiếp xúc với người thân trong gia đình, trừ người già, trẻ em, người có bệnh cần được hỗ trợ thì cần có biện pháp phòng hộ khi tiếp xúc. Các tổ "Covid cộng đồng'', tổ dân phố, công an khu vực, cán bộ Trạm Y tế cấp xã cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Ngoài kiểm tra định kỳ, cần kiểm tra đột xuất để sớm phát hiện người cách ly không tuân thủ các quy định. Người dân xung quanh khu vực F1 sinh sống cũng cần vào cuộc, sớm thông báo cho chính quyền địa phương khi phát hiện F1 không nghiêm túc thực hiện quy định cách ly... Tỉnh sớm hỗ trợ vật tư xét nghiệm cho các địa phương để những người có nguy cơ cao được xét nghiệm PCR nhằm bảo đảm kết quả chính xác. Có như vậy, việc cách ly của các F1 tại gia đình mới an toàn và bảo đảm được các yêu cầu phòng chống dịch.
THANH HÀ(TP Hải Dương)