Dân gian có câu: "Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng" để nói về tình thương của dì ghẻ với con chồng xưa nay chưa khi nào là có thật.
Vậy mà trên thực tế, vẫn có những câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng đầy cảm động giữa vợ lẽ của bố với những đứa con chồng, để người đời thấy rằng "bánh đúc vẫn có xương"...
Anh Trung vốn là người đàn ông khờ khạo, nhà lại nghèo nên ngoài 30 tuổi vẫn chưa hỏi được vợ. Nhờ mai mối, cuối cùng anh cũng cưới được chị Thanh.
Chị Thanh dáng người nhỏ nhắn lại nhanh nhẹn. Từ khi lấy nhau, mọi việc trong nhà đều do một tay chị cáng đáng. Chị Thanh nhờ gì anh Trung làm nấy. Anh khờ khạo đến mức, thời gian đầu mới cưới, anh chẳng biết đến chuyện vợ chồng...
Sau này, anh chị cũng sinh được 3 người con 2 trai, 1 gái. Người trong họ, trong làng ai cũng mừng thay. Nhưng chẳng may, con trai lớn của anh chị cũng khùng khùng, dở dở như anh và ông nội. Các con đông, nhà chỉ có hơn sào ruộng, cấy chẳng đủ ăn. Anh chị cũng không có của hồi môn. Bữa cơm qua ngày chỉ có rau mắm, nhưng dưới mái nhà cấp 4, gia đình anh chị vẫn nuôi niềm hạnh phúc.
Một ngày nọ, không hiểu vì lý do gì chị Thanh mất tích. Có người nhìn thấy chị lần cuối mặc bộ quần áo cũ rích, vá víu, vai quẩy đôi quang gánh ra đồng. Có người lại xì xèo, đồn thổi chị bị một người quen lừa bán sang Trung Quốc, không biết đường về.
Đàn con của anh chị ngơ ngác như gà mất mẹ. Còn anh Trung từ ngày vợ biệt tích cũng trở nên thẫn thờ. Người khờ khạo như anh cũng có lúc biết cô đơn. Anh lủi thủi quanh nhà, chẳng biết làm gì mà ăn. Các con đi lang thang quanh làng, hễ gặp đám ma, đám cưới là sà vào tìm đồ ăn. Nhìn cảnh ấy, ai cũng xót xa.
5 năm bố con anh sống trong mòn mỏi. Người thân thương cảnh đơn côi nhưng không ai giúp đỡ được nhiều. Cuối cùng người trong họ bàn nhau không thể để bố con anh côi cút mãi, phải có người phụ nữ giúp anh cáng đáng gia đình. Bà Lan, người thím họ đã nhờ người cưới hỏi cho anh được chị Ủi ở xóm dưới. Cái tên xấu như người nhưng chị Ủi nết na lại chăm chỉ.
Buổi đầu tiên về nhà chồng, bữa cơm chỉ có su hào luộc chấm muối. Nhìn chồng và các con ăn ngon miệng, chị rơi nước mắt. Chị biết mình không chỉ làm vợ của anh mà còn làm mẹ của 3 đứa trẻ. Tiếng mẹ thiêng liêng lắm nên chị phải làm sao cho các con có được niềm hạnh phúc trọn vẹn khi có mẹ.
Chị lao vào làm. Ngoài làm ruộng, chị vay vốn ngân hàng mua 1 con bò. Ai thuê gì chị cũng làm để lấy tiền chi tiêu cho gia đình. Từ ngày có bàn tay chăm sóc của chị, các con riêng của chồng được ăn no, quần áo cũng tươm tất. Còn anh Trung, người ta thấy anh nhoẻn miệng cười suốt.
Chị không sinh thêm con nữa. Với chị, 3 đứa con của chồng là đủ. Nhà lại nghèo, cứ làm sao lo cho các con tốt, nuôi dạy các con nên người là chị mãn nguyện. Sau 15 năm về một nhà, vợ chồng chị xây được căn nhà mái bằng mới, khang trang. Các con của anh chị giờ đây đã lớn. Thương thằng cả dở khùng, chị hỏi cho người vợ quá lứa ở thôn bên. Vậy là con yên bề gia thất, chị cũng an tâm. Sau đó ít lâu, con trai thứ hai của anh chị trên đường đi làm về bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Chị chạy vạy khắp nơi, bán cả cặp bò của gia đình lấy tiền chữa trị cho con. Con anh chị vẫn không qua khỏi. Chị vật vã, khóc lóc như đứt từng khúc ruột.
Tưởng rằng bấy nhiêu tai ương ập xuống đã quá sức với gia đình chị. Người con gái út của anh chị lỡ yêu rồi có thai nhưng bị người yêu ruồng bỏ. Chị nén nỗi đau chồng chất khuyên con giữ lại sinh linh bé bỏng, sau này chị sẽ nuôi giúp. Giờ đây, chị đã luống tuổi. Các con chồng vẫn yêu thương, kính trọng chị như người mẹ thứ hai. Trong căn nhà nhỏ, người phụ nữ ấy cùng tình yêu thương vô bờ vẫn là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình.
LÊ HƯƠNG