Tháng ba là khoảng thời gian gợi nhiều cảm hứng cho các nhà thơ.
Tháng ba là khoảng thời gian gợi nhiều cảm hứng cho các nhà thơ. Đó là thời điểm giao mùa, khi cái rét chuẩn bị rời đi song vẫn còn lưu luyến, khi mùa hạ đã cận kề nhưng mới chỉ thấp thoáng xa xa. Đó là lúc thời tiết đỏng đảnh, hay đổi thay nên dễ tác động đến những tâm hồn nhạy cảm. Bài thơ "Tháng ba viết cho chị" của nhà thơ Xuân Quỳnh được đặt trên cái nền dễ gợi nhiều rung cảm đó, với những tâm sự giản dị mà xúc động của người em gái gửi cho chị phương xa.
Bởi mang tiêu đề "Tháng ba viết cho chị" nên dấu ấn của tháng ba trong bài thơ rất đậm nét, trải dài suốt những khổ thơ. Tháng ba ở nơi nhà thơ đang sống là thời điểm "rét muộn", "cuối xuân còn nhiều hoa". Chính cái rét muộn ấy làm nỗi nhớ chị của nhân vật trữ tình nhen nhóm, với sự liên tưởng về nơi người chị đang sống có thời tiết đối lập "chắc bây giờ đang nóng". Từ tháng ba trong hiện tại, nỗi nhớ lan theo không gian tới nơi người chị, rồi lại lan theo thời gian, trở về những tháng ba xa xưa khi hai chị em còn ở bên nhau: "Chị kể chuyện thay bà/Như ngày xưa - tháng ba/Những đêm dài chó sủa", "Bấy giờ là tháng ba/Tu hú kêu ngoài bãi", "Ngày sơ tán, tháng ba/Mưa rào hầm nước ngập"...
Tuy tháng ba là khoảng thời gian đáng nhớ nhưng có lẽ đó cũng chỉ là cái cớ để cảm xúc của nhà thơ tuôn trào. Qua những dòng thơ mang tính tự sự, không chỉ hình ảnh quá khứ của hai chị em hiện lên rõ ràng mà bối cảnh làng quê miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng được tái hiện một cách chọn lọc. Những hình ảnh đi sơ tán, hầm nước ngập ngày mưa rào, lớp học có đường hào ra sân, có ngọn đèn báo yên rất đặc trưng cho khoảng thời gian vất vả và gian khổ, khi cả nước đang dồn sức giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bản thân miền Bắc cũng có những thời điểm bị đe dọa bởi bom đạn quân thù. Nhớ về những tháng ngày gian nan chưa xa ấy để càng cảm thấy yêu quý những ngày bình yên khi giang sơn đã thu về một mối. Dù bây giờ hai chị em có cách xa nhưng nỗi nhớ tha thiết mà nhẹ nhõm. Bài thơ "Tháng ba viết cho chị" được Xuân Quỳnh sáng tác tháng 3.1976, tức chưa đầy một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng nên cảm xúc về vùng đất Sài Gòn, nơi người chị chuyển vào công tác vẫn thật tươi mới, ngỡ ngàng.
Bài thơ giống như một lá thư người em gái gửi chị, kể chuyện thường ngày trong hiện tại và nhắc lại những kỷ niệm xa xưa. Giọng kể xuyên suốt bài thơ thật điềm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa sự cồn cào, da diết. Hình ảnh trong bài thơ vì thế cũng thật giản dị nhưng không sa vào lối tả chân mà vẫn đầy tính hình tượng. Ví như hình ảnh người em gái mặc áo của chị, hằng ngày dùng những đồ vật chị để lại như cái ca nhựa, chậu men là giữ hơi ấm của chị luôn bên mình. Hay lời chị dặn đi đường phải nhìn xe cẩn thận là kết tinh của sự quan tâm rất bình dị song thiết thực và chứa đầy tình cảm mến thương pha lẫn chút lo âu. Chính tình cảm ấy khiến nhân vật trữ tình luôn cảm thấy mình bé bỏng trước tình yêu thương của chị, giống như những ngày xưa lúc hai chị em còn ở bên nhau, đùm bọc nhau trong khó khăn, vất vả.
Bên cạnh những bài thơ tình nồng nàn, mãnh liệt, hồn thơ Xuân Quỳnh còn có những bài thơ viết về người thân giản dị và xúc động. "Tháng ba viết cho chị" là một bài thơ như thế. Tình cảm dịu dàng, chân thực toát lên từ bài thơ là yếu tố gây xúc động cho người đọc, nhen lên ngọn lửa của thương yêu giữa tháng ba đầy bâng khuâng, nhung nhớ.
SONG KHUÊ
Tháng ba viết cho chị Tết năm nay rét muộnCuối xuân còn nhiều hoa Ở Sài Gòn tháng ba Chắc bây giờ đang ấm Em nghĩ về miền nắng Nơi em vừa đi qua Em đang ở tháng ba Nhớ chị nhiều đến thế! Áo chị thường mặc đó Chị để lại cho em Cái xô nhựa, chậu men Mỗi khi dùng, nhớ chị Thư chị hỏi cặn kẽ Từ cái mặc cái ăn Chị lại dặn "đi đường Quỳnh nhìn xe cẩn thận" Em trở thành bé bỏng Trong cánh tay chị xưa (Dẫu rằng em bây giờ Đã có hai cháu nhỏ) Chị kể chuyện thay bà Như ngày xưa - tháng ba Những đêm dài chó sủa Rồi ôm chị nức nở: "Chị ơi đừng đi đâu Em nghe như đằng sau Có tiếng người đang bước!" Chị cười: "Quỳnh đừng khóc Chị chẳng đi đâu mà..." Bấy giờ là tháng ba Tu hú kêu ngoài bãi Đã bao mùa gió đổi Chị đi dạy học xa Ngày sơ tán, tháng ba Mưa rào hầm nước ngập Em thương về lớp học Có đường hào ra sân Thương ngọn đèn đêm đêm Báo yên rồi lại sáng Nước mình giờ thống nhất Chị công tác trong kia Em lại nhớ chuyến xe Trên đường Hồng Thập Tự Em biết chị cũng nhớ Miền đất bãi quê ta Nhớ những đêm tháng ba Có em và có chị Nhớ chị nhiều đến thế Bây giờ là tháng ba! XUÂN QUỲNH |