Những ngày cuối năm bao giờ cũng đánh thức nhiều cảm xúc trong lòng mỗi người con xa quê, nhất là vào buổi chiều, khi người ta thường hướng về tổ ấm, ao ước được quây quần bên người thân.
Những ngày cuối năm bao giờ cũng đánh thức nhiều cảm xúc trong lòng mỗi người con xa quê, nhất là vào buổi chiều, khi người ta thường hướng về tổ ấm, ao ước được quây quần bên người thân. Buổi chiều cuối năm trong thơ Bình Nguyên Trang thật nhiều suy tư, bâng khuâng và nhung nhớ. Nhưng những xúc cảm ấy không có dấu vết của sự bi lụy mà chỉ làm giàu thêm sức sống cho tâm hồn.
Mốc thời gian trong bài thơ “Chiều cuối năm” được nhận biết bằng những dấu hiệu rất đặc trưng. Đó là cái rét tái tê của mùa đông, là “hoa đã hồng”, “mùa đã xanh” báo hiệu một mùa xuân sắp về. Cả đất trời và con người xung quanh tác giả hiện ra thật rộn ràng, tất cả dường như đều đang chuyển động để hướng về mùa xuân. Trong khung cảnh ấy, trong lòng người con xa quê càng trỗi dậy nỗi nhớ quê nhà, nhớ người mẹ tảo tần. Hình ảnh mẹ đồng nghĩa với hình ảnh quê hương, mái ấm gia đình. Bởi vậy khi nhớ mẹ, người con bỗng nhiên thấy mình “bơ vơ không chốn về”. Hẳn là ở nơi đang sinh sống, người ấy phải có nơi để đi về sau mỗi ngày làm việc nhưng nơi đó thiếu vắng bóng hình của mẹ nên không thể nào gần gũi, thân thương như ở quê nhà.
Chốn về của tác giả phải là “mảnh vườn của mẹ”, nơi có “cây cà trổ hoa thưa” trong ráng chiều “hắt màu lên mái nhà”, là gian bếp mẹ đang ngồi hơ tay bên bếp lửa để xua bớt cái giá lạnh mùa đông. Những hình ảnh về quê nhà bình dị và thân thương như thế thật gần gũi với những tâm hồn xa vắng quê hương. Nên có lẽ ai đang và từng xa quê đọc những dòng thơ này đều cảm thấy bồi hồi, cay cay nơi sống mũi. Chốn về thật ấm áp, thân thương nhưng giờ đây khi con đang ở xa, cảnh người “mẹ nghèo áo mỏng/Đôi bàn tay lạnh cóng/Hơ ngang bếp lửa tàn” sao mà cô đơn đến thế, để mỗi khi hình dung lại người con chỉ muốn chạy ngay về bên mẹ. Hình ảnh “bếp lửa tàn” đồng điệu với hình ảnh mẹ bởi nó nhắc cho ta biết thời gian của mẹ không còn thật nhiều, nó càng thúc giục nỗi nhớ thương mẹ trào dâng da diết.
Dù chỉ trở về với mẹ trong tâm tưởng, bỗng chốc người con ấy vẫn thấy mình trở nên bé bỏng như những ngày nào, vẫn sà vào lòng mẹ: “Ta đi không làm quan/Ta về không mũ áo/Ta mãi là sơ sinh/Trong vòng tay của mẹ”. Khổ cuối của bài thơ vừa là cảm nhận chân thật của tác giả khi nhớ mẹ, vừa giống như một lời nhắc nhở chính mình rằng có đi đâu, làm gì đi chăng nữa thì ta vẫn mãi chỉ là đứa trẻ trong vòng tay mẹ.
Bài thơ “Chiều cuối năm” được làm theo thể ngũ ngôn, một thể thơ khá thử thách người cầm bút bởi số lượng chữ mỗi câu khá ít, nếu không khéo thì dễ mang hơi hướng của vè. Bình Nguyên Trang đã thổi hồn cho những câu thơ bằng một loạt những từ láy, giúp người đọc hình dung được đầy đặn, cảm xúc mênh mang trong số lượng những con chữ hạn chế. Cũng chính vì không mới và rất thân quen nên có lẽ rất nhiều người yêu thơ có thể tìm thấy hình ảnh bản thân mình trong bài thơ giản dị, xinh xắn này.
PHÚ SỸ
Chiều cuối năm Bỗng nhiên những đợt rétThổi tái tê lòng người Chiều cuối năm nhớ mẹ Khói bếp bay lên trời Hoa đã hồng mẹ ơi Mùa đã xanh đầy mắt Đã dâng đầy mặt đất Men rượu đào ngất ngây Đã xôn xao lời cây Đã nồng nàn góc phố Chiều cuối năm giữa chợ Bơ vơ không chốn về Trong mảnh vườn của mẹ Cây cà trổ hoa thưa Ngoài hiên chiều lần lữa Hắt màu lên mái nhà Chiều cuối năm phương xa Thương mẹ nghèo áo mỏng Đôi bàn tay lạnh cóng Hơ ngang bếp lửa tàn Ta đi không làm quan Ta về không mũ áo Ta mãi là sơ sinh Trong vòng tay của mẹ. BÌNH NGUYÊN TRANG |