Bán xăng tự phát - nguy hiểm rình rập

08/11/2022 11:30

Mặc dù xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng ở Hải Dương vẫn tồn tại nhiều điểm bán xăng tự phát. Với nhiều cái "không", những điểm bán xăng này không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn.

Cây xăng mini tại xã Toàn Thắng (Gia Lộc) không có thiết bị, dụng cụ phòng chống cháy nổ và bán xăng với giá cao hơn từ 2.000-3.000 đồng/lít so với quy định


Hiện nay, trên địa bàn Hải Dương vẫn tồn tại nhiều điểm bán xăng tự phát. 

Những điểm bán xăng tại nhà dân

Không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, không được kiểm định chất lượng xăng dầu, không bán đúng giá quy định, cùng rất nhiều cái “không” khác đang là thực trạng diễn ra tại nhiều điểm bán lẻ xăng dầu tự phát trên địa bàn tỉnh.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hải Dương, chiều 3.11, tại một đại lý ven quốc lộ 38B đoạn qua xã Toàn Thắng (Gia Lộc), ngoài bày bán một số loại bánh kẹo, ngay phía gần lề đường, đại lý này còn có một cây xăng mini. Cây xăng này khá thô sơ, bộ phận chứa xăng được làm từ vỏ bình gas gắn với một bình thủy tinh để đo lượng xăng bán ra, bộ phận bơm xăng là một ống cao su và một bơm đẩy tay. Khi bán hàng, người bán phải bơm xăng từ bình chứa lên bình thủy tinh thông qua dây dẫn bằng cao su, sau đó xăng sẽ được đổ vào xe cho khách hàng.

Qua quan sát, xung quanh khu vực cây xăng mini này không có bất cứ phương tiện, dụng cụ nào để phòng chống cháy nổ. Trong vai một khách hàng, chúng tôi được người bán thông báo giá xăng là 25.000 đồng/lít. Trong khi đó, mức giá do liên Bộ Tài chính-Công thương công bố giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 3.11 thì xăng E5 Ron 92 không quá 21.873 đồng/lít, xăng Ron 95 không quá 22.756 đồng/lít.

 Cây xăng mini ở xã Thống Nhất (Gia Lộc) nằm trong khu vực dân cư đông đúc


Tại một đại lý ở thôn Quỳnh Huê, xã Thống Nhất (Gia Lộc) cũng có một cây xăng mini tương tự, đặt sát mép đường. Giá xăng tại đây là 24.000 đồng/lít.

Còn tại một đại lý bánh kẹo, nước giải khát ở thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng (Bình Giang), ngoài biển hiệu quảng cáo các loại hàng hóa còn có một tấm biển ghi “bán xăng”. Khi chúng tôi hỏi mua xăng, một người đàn ông chiết xăng từ can to ra một chiếc chai nhỏ, rồi dùng một chiếc phễu để đổ xăng vào xe. Mức giá của một chai xăng này là 25.000 đồng/lít. Khi chúng tôi hỏi dung tích của chai này có phải 1 lít không, người đàn ông trả lời: Chai này chỉ gần 1 lít thôi, chứ 1 lít thì lỗ vì khi mua ở cây xăng đã gần 23.000 đồng/lít.

Điểm chung của các điểm bán xăng kể trên là nằm tại nhà dân, trong khu vực dân cư đông đúc nhưng không có bất cứ dụng cụ, phương tiện nào để phòng cháy, chữa cháy và mức giá đều cao hơn so với giá đã được liên Bộ Tài chính-Công thương công bố.

Ở một quán bán bánh kẹo, nước giải khát tại xã Vĩnh Hồng (Bình Giang), ngoài biển quảng cáo còn có tấm biển “bán xăng”


Sớm kiểm tra, xử lý

Theo quy định của pháp luật, việc kinh doanh xăng dầu phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; địa điểm kinh doanh xăng dầu phù hợp quy hoạch và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; thiết kế, xây dựng cửa hàng xăng dầu phải bảo đảm yêu cầu. Trong quá trình hoạt động, cơ sở kinh doanh xăng dầu phải duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31.7.2014 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Qua quan sát thực tế, những điểm bán xăng tự phát nêu trên không tuân theo các quy định của pháp luật. Đại diện Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: "Những hình thức kinh doanh xăng dầu qua các cột bơm tay, cây xăng mini hay can, chai đều trái quy định. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, muốn hoạt động phải có giấy xác nhận đủ điều kiện do Sở Công thương cấp. Sở dĩ vẫn tồn tại những điểm bán xăng tự phát là do một số người dân nhận thức chưa đầy đủ, không biết mình vi phạm hoặc có tư tưởng hám lợi. Trong việc phát hiện, tuyên truyền, nhắc nhở hay xử lý các điểm bán xăng này thì lực lượng sát sườn nhất chính là chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương có thể phối hợp lực lượng quản lý thị trường tại các đội quản lý thị trường phân theo khu vực cấp huyện để triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý triệt để".

.Theo khoản 2, điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP ngày 26.8.2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó.

Mục a, khoản 3, điều 31 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 15-25 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, san, chiết hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép. 

HOÀNG QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán xăng tự phát - nguy hiểm rình rập