Quả bồ hòn ngậm mãi rồi sẽ ngọt! Nhân vật trong câu chuyện này đã từng tin vào điều đó...
Và anh ta sẽ tiếp tục tin, nếu như không xuất hiện tờ biên bản về một vụ ngoại tình.
Anh Khang làm nghề thợ xây nên từ trước đến nay chẳng mấy lúc ở nhà. Nhiều người hỏi rằng, để vợ ở nhà thế có tin tưởng được không? Anh Khang chẳng dám chắc chắn đến 100% vì vợ anh trông cũng mặn mà dễ coi, lại nhanh nhẹn tháo vát. Thế nhưng, cô ấy một nách ba con vất vả quanh năm, nên anh Khang nghĩ cũng chẳng hơi đâu mà chuyện nọ chuyện kia.
Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng đôi khi anh vẫn thấy gờn gợn mối quan hệ của anh bạn thân cùng xóm với vợ mình, tay này có vẻ quan tâm tới nhà anh trên mức bạn bè... Cách đây mấy năm, mối nghi ngờ đó đã được xác nhận bởi bà cụ thân sinh ra anh. Trước khi mất, bà nói với anh rằng, vợ anh có quan hệ với gã kia và thằng cu út chưa chắc đã phải là cháu của bà.
Nhẩm lại, trước khi sinh thằng bé này, anh Khang bị tai nạn lao động ngã từ trên cao xuống. Sức khoẻ không ảnh hưởng nhiều, nhưng chấn thương khá hiểm, anh đi khám, bác sĩ nói “vô sinh”. Hồi đó anh cười, nhưng giờ thì không cười được nữa vì chắc chắn thằng cu út là con của hắn. Biết là biết vậy nhưng chuyện trôi qua đã lâu, thằng cu lúc giờ đã lên 4 tuổi, mà nó lại chẳng có tội tình gì nên anh Khang đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Có lẽ, anh Khang sẽ im lặng như thế cả đời nếu như không có một chuyện xảy ra.
Bản tường trình oan nghiệt - Ảnh minh họa |
Ấy là vào hồi tháng 3, một tối, anh Khang đang ngồi nhà thì nghe chuông điện thoại đổ dồn, nhấc máy lên, anh nghe thấy một giọng nữ nói rằng, vợ anh và chồng của chị ta lại tiếp tục quan hệ với nhau, chị ta còn dùng những lời lẽ khó nghe để nói về vợ anh. Nghe xong, anh Khang thấy tức điên, hoá ra mình nín nhịn trước giờ đúng là thừa. Anh quyết định phải làm cho rõ mọi chuyện.
Chờ các con đi ngủ hết, anh mới lục vấn vợ. Cô vợ anh không chối mà ngoan ngoãn khai bằng hết chuyện ngày xưa, rồi một mực xin anh tha thứ cho những lỗi lầm đã qua. Đến Chủ nhật tuần đó, anh Khang cho các con lên ngoại chơi rồi về lôi cổ ông bạn thân cùng xóm sang nhà. Ba mặt một lời, anh bắt hai kẻ gian phu dâm phụ phải viết một bản tường trình về những chuyện ngày xưa. Cầm bản tường trình đó trong tay, anh Khang chẳng có được cảm giác hả hê, mà ngược lại, lòng anh chỉ thêm đau xót.
Hoá ra, thằng bạn thân trong lúc đang đi làm cùng anh đã từng gọi điện về bảo vợ anh phá cái thai tội lỗi ấy đi, nhưng vợ anh không nghe. Sau đó hai người đã tuyệt giao. Cô ấy cũng kể rằng khi sinh thằng bé được 3 năm, hắn lại tiếp tục đến để gợi chuyện rủ rê nhưng cô không đồng ý. Cô cũng biết bà đã nói với anh mọi chuyện, cô biết ơn vì anh đã giữ im lặng ngần ấy năm, cô biết anh đau khổ nhưng xin anh hãy tha thứ vì... “quãng đời còn lại mẹ con em chỉ biết trông cậy vào anh”.
Bản tường trình này hiện nay anh vẫn giấu kĩ, anh cũng chưa biết xử lí thế nào vì còn thương một bầy con đang ở tuổi sắp trưởng thành, một đứa vừa học hết cấp 3, một đứa đang học lớp 11 và thằng cu út còn nhỏ dại. Nhưng cứ nghĩ đến những dòng chữ ấy, anh lại thấy lòng như xát muối, cuộc sống gia đình giờ chỉ là hạnh phúc giả tạo.
Thời gian sẽ giúp anh nhận ra nỗi nhớ nào lớn hơn. Có thể sau đó, anh sẽ chọn con đường bỏ vợ bỏ con; cũng có thể anh sẽ tha thứ... nhưng khi đó, anh sẽ thanh thản đưa ra quyết định của mình.
Trước mặt các con, anh vẫn đối xử với vợ bình thường, nhưng đêm xuống, hai vợ chồng “đồng sàng mà dị mộng”. Anh không biết mình có thể chịu đựng tình trạng này đến bao giờ nữa. Hay là anh nhờ pháp luật để chia tay với cô ấy rồi bán nhà vào Nam cho xong chuyện?
Câu hỏi của anh Khang đã thu hút rất nhiều ý kiến khác nhau. Bản chất câu chuyện không quá phức tạp, nó đã quá rõ ràng về chi tiết, song tuỳ thuộc vào quan điểm sống của mỗi người mà nó sẽ có một cách kết thúc riêng. Một số người cho rằng, chuyện đã qua, người vợ cũng đã hối lỗi thì anh Khang nên tha thứ. Một số người lại khẳng định không thể tha thứ cho sự phản bội của người vợ ấy, nhất là khi anh Khang sẽ luôn phải đối mặt với sự phản bội ấy bởi đứa bé được sinh ra do mối quan hệ bất chính của vợ.
Cả hai quan điểm trên đều có lý. Nhưng, đọc kỹ bức thư của anh Khang, tôi tin rằng anh Khang muốn nghe theo những ý kiến thuyết phục anh tha thứ cho vợ. Cố gắng viết ra nỗi đau của mình, điều đó có thể hiểu là anh Khang đang cố tìm cho mình một lý do thích hợp để không đi đến quyết định khiến cho gia đình anh tan đàn xẻ nghé.
Trên thực tế, trước khi viết bức thư này, anh Khang cũng đã cố gắng tha thứ cho vợ mình trong một thời gian dài. Đã từ lâu rồi, anh Khang biết thân phận của đứa bé, nhưng anh vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt. Mọi sự chỉ trở nên tệ hại hơn khi anh bắt vợ mình viết bản tường trình đau khổ ấy. Đó là một sai lầm của anh. Khi vợ anh đã ngoan ngoãn nhận lỗi thì cái bản tường trình ấy có giá trị gì đâu. Tờ giấy ấy không giúp anh xoa dịu nỗi đau của lòng mình. Nó chỉ đơn thuần là bằng chứng để anh luôn ghi nhớ về nỗi đau ấy. Và để có thể quên đi nỗi đau bị phản bội, anh muốn thay thế nó bằng sự tan vỡ. Giả sử anh bán nhà, bỏ vợ con vào Nam kiếm sống, liệu lòng anh có thanh thản hơn không?
Có một thính giả chia sẻ với anh Khang rằng: Nếu như không thể hình dung nổi nỗi đau nào lớn hơn, anh chưa nên quyết định, hãy thử vào Nam làm ăn một thời gian. Sự xa cách tạm thời về địa lý sẽ giúp anh bình tĩnh nhìn lại toàn bộ câu chuyện qua nỗi nhớ của mình.
Trong nỗi nhớ đó, tất nhiên có cả nỗi đau bị phản bội và cả những tình cảm anh đã có với gia đình mình. Đó là một lời khuyên mà tôi cho rằng rất sáng suốt và tôi vẫn muốn tin rằng sau một thời gian nữa, anh Khang sẽ trở lại, đốt mảnh giấy đó đi và tiếp tục sống với vợ con mình, tôi tin như vậy vì một sự thật mà tôi biết về quả bồ hòn. Thứ quả đó rất đắng khi ta ngậm, song khi nhả nó ra rồi, còn lại trong miệng ta đúng là một vị ngọt. Quả bồ hòn của anh Khang lẽ ra đã ngọt, song anh ta lại ngậm thêm một quả nữa khi cố lập biên bản về một việc đáng lẽ được quên đi.
Lão Phạm(VOV)