Chiều 3.6, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 6 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp
Tại phiên họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh báo cáo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển cơ bản nhất trí với phương án và nguyên tắc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã do Ban chỉ đạo báo cáo. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban chỉ đạo tiếp thu ý kiến, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hoàn thiện phương án để báo cáo với Trung ương và triển khai tổ chức thực hiện. Đồng chí nhấn mạnh các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, quyết tâm thực hiện tốt chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất. Các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét, đề xuất phương án giải quyết những vấn đề phát sinh khi sáp nhập các xã, thị trấn như công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các danh hiệu sau khi sáp nhập... Phát huy tối đa hiệu quả các công trình công cộng hiện có, đặc biệt cần có phương án tổ chức các điểm trường mầm non, tiểu học phù hợp với thực tế tại các địa phương. Có cơ chế hỗ trợ các địa phương khắc phục những bất cập, khó khăn về cơ sở hạ tầng khi sáp nhập. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ phối hợp với các địa phương nghiên cứu, đề xuất phương án bố trí, sắp xếp và thực hiện các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập.
Theo phương án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất, dự kiến toàn tỉnh sẽ sáp nhập 53 đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, huyện Bình Giang sáp nhập các xã Hưng Thịnh và Vĩnh Tuy; thị trấn Kẻ Sặt và xã Tráng Liệt. Huyện Cẩm Giàng sáp nhập các xã Cẩm Sơn và Cẩm Định; xã Kim Giang và thị trấn Cẩm Giàng. Huyện Kim Thành sáp nhập các xã Việt Hưng và Tuấn Hưng; Kim Khê và Kim Lương; Cẩm La và Đồng Gia. Huyện Ninh Giang sáp nhập các xã Hồng Dụ và Hồng Thái; Ninh Thành và Tân Hương; Quyết Thắng, Ứng Hòe và Ninh Hòa; Văn Hội và Văn Giang; Hưng Thái và Hưng Long; Tân Quang, Hoàng Hanh và Quang Hưng. Huyện Thanh Miện sáp nhập các xã Tiền Phong và Diên Hồng; xã Hùng Sơn và thị trấn Thanh Miện. Huyện Thanh Hà sáp nhập các xã An Lương và Phượng Hoàng; Hợp Đức, Trường Thành và Thanh Bính. Huyện Tứ Kỳ sáp nhập các xã Kỳ Sơn và Đại Đồng; Đông Kỳ, Tứ Xuyên và Tây Kỳ. Huyện Gia Lộc sáp nhập xã Phương Hưng và thị trấn Gia Lộc; các xã Trùng Khánh, Yết Kiêu và Gia Hòa. Huyện Kinh Môn sáp nhập các xã Thái Sơn và Phạm Mệnh; Phúc Thành và Quang Trung. TP Hải Dương sáp nhập các xã An Châu và Thượng Đạt.
Thị trấn Kẻ Sặt, xã Tráng Liệt (Bình Giang) và 4 xã của huyện Kinh Môn không thuộc diện phải sáp nhập đợt này nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất đề nghị sắp xếp để phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.
HOÀNG BIÊN