Nhờ có An, tôi đã nhận ra sống nội tâm cũng không nên thờ ơ, vô cảm với những người xung quanh.
An là bạn thân của tôi từ hồi học lớp 6. Hồi ấy cô giáo xếp tôi và An ngồi cạnh nhau. Nó nhỏ thó, ít nói nhưng học rất giỏi. Mẹ nghe tôi kể vừa mừng lại vừa lo. "Ngồi cạnh bạn học giỏi thì tốt thật đấy, nhưng cả hai đứa đều ít nói, nhút nhát thì tiến bộ làm sao?", mẹ hay thở dài nói như thế.
Tôi thì thấy vui, vì tính tôi không thích những đứa nói nhiều, tôi thấy rất phiền nếu ngồi cạnh đứa nào nói liên thiên cả buổi. May cái An cũng sống nội tâm như tôi, thành ra cả buổi chả đứa nào nói với nhau một câu. Giờ ra chơi, tôi thích ngồi vẽ còn An thì hay lấy truyện hoặc sách tham khảo ra đọc. Đôi khi cần hỏi bài tôi mới quay ra bắt chuyện với An, còn không thì hai đứa chúng tôi như hai hành tinh cách xa vạn dặm.
Ít nói chuyện là vậy nhưng tôi luôn khâm phục An. Mà không chỉ tôi, các bạn trong lớp đều ngưỡng mộ bạn ấy bởi đức tính cần cù, giản dị và nghiêm túc trong học tập. An luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập, ai hỏi bài bạn cũng đều tận tình giảng giải. Các cô giáo cũng rất quý An và luôn lấy đó làm tấm gương khuyến khích các bạn trong lớp noi theo. Nhưng vì tính An khép kín nên ngoài việc học giỏi thì các bạn gần như không biết gì về hoàn cảnh của An cho đến một hôm.
Hôm ấy trời trở rét đột ngột, đám chúng tôi ai cũng khoác những chiếc áo phao to sụ uể oải đến lớp. Nhưng chỗ ngồi cạnh tôi vẫn trống không đến hết tiết 1, giờ ra chơi mới thấy An đến co ro trong chiếc áo đồng phục mỏng, mặt mũi tái nhợt. Tôi thấy tay An còn xước, rớm máu cả một mảng dài. Tôi và các bạn xúm vào hỏi han, An chỉ cười nhẹ nói không sao, bạn chỉ bị ngã xe, xây xước nhẹ.
Đến hôm sau và hôm sau nữa tôi lại không thấy An đến lớp, chỉ nghe cô giáo thông báo bạn bị ốm xin nghỉ vài hôm. Tôi nhớ lại hình ảnh An co ro hôm trước và bắt đầu sốt ruột nghĩ chắc không chỉ vì bạn bị ốm, có thể vì nguyên nhân gì nữa. Tôi về kể băn khoăn này với mẹ và nhờ mẹ hỏi cô giáo giúp xem nhà An ở đâu để mẹ con tôi đến thăm. Mẹ khá bất ngờ vì từ trước tới nay không thấy tôi quan tâm đến bạn cùng lớp, cũng không thấy tôi có bạn thân.
Đến hôm sau, câu chuyện mẹ kể lại khiến tôi vừa bất ngờ vừa thương bạn vô cùng. Thì ra cái hôm An co ro đến lớp không phải vì bạn ngã xe mà là bạn bị bố đánh. Gia đình An rất khó khăn, bố thường xuyên say rượu, bạo hành mẹ con An. Hôm ấy rượu say, bố đánh mẹ, An nhảy vào can ngăn, ôm mẹ chịu đòn thay nên bị thương. Lúc hàng xóm sang can ngăn, bố bỏ đi, An mới vội đi học. Nhiều lần như vậy nhưng An không bao giờ bỏ học, bạn luôn quyết tâm học thật giỏi, tỏ ra vui vẻ để mẹ không phải lo lắng. An cắn răng chịu đựng, không hé răng nửa lời. Đợt này mẹ An bỗng yếu hẳn vì chạy chợ đêm trong tiết trời giá lạnh, An phải ở nhà chăm mẹ. Còn bố thì bỏ đi đâu không rõ.
Nghe mẹ kể, tôi rất muốn đến thăm An nhưng sợ bạn tự ti, ngại với các bạn trong lớp nên chưa biết làm sao. Mang băn khoăn nói cho mẹ, may quá mẹ đã ra tay giúp tôi bằng một cách rất hay. Mẹ và cô giáo bí mật quyên góp từ phụ huynh trong lớp được một khoản tiền, áo ấm và một số đồ dùng học tập rồi mang đến gửi Hội Phụ nữ phường để nhờ các cô đến trao cho An, nói rằng một nhà hảo tâm giấu tên tặng. Một vài bạn trong lớp cũng biết bí mật ấy nhưng các bạn bảo nhau giấu An để bạn không chạnh lòng.
Vài hôm sau, An đến lớp trong chiếc áo ấm, gương mặt bớt u buồn. Tôi và các bạn xúm vào hỏi han xem bạn đã khỏe chưa. An vui vẻ cảm ơn mọi người, đôi mắt ánh lên niềm vui.
Nhìn thấy bạn khỏe mạnh vui vẻ. Tôi tự nhủ từ nay sẽ thường xuyên chuyện trò, hỏi han, quan tâm đến bạn nhiều hơn. Tôi cũng nhận ra, sống nội tâm cũng không nên vô cảm, thờ ơ với mọi người xung quanh. Từ ấy tôi và An gần gũi nhau hơn và thân đến tận bây giờ khi chúng tôi sắp chia tay mái trường cấp 2 yêu dấu.
VŨ NGUYÊN THẢO (Lớp 8I Trường THCS Tân Bình, TP Hải Dương)