Đã có những vụ giáo viên, phụ huynh lái xe ô tô vào trường học gây tai nạn cho học sinh. Những vụ việc này đặt dấu hỏi về vấn đề an toàn giao thông trong khuôn viên trường học.
Đầu năm học này, ngày 16/9, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) xảy ra một vụ việc đau lòng. Trời mưa nên một phụ huynh đã lái ô tô đưa con vào trong sân trường. Do không chú ý quan sát nên anh này đã tông vào 3 em học sinh lớp 2 khiến 1 bé tử vong tại chỗ.
Xa hơn, tháng 12/2016 tại Hà Nội cũng xảy ra một vụ tai nạn giao thông ngay trong sân trường. Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) đã yêu cầu bảo vệ trường mở cửa cho lái xe taxi chở hai cô này đi thẳng vào trong sân trường dù đang giờ ra chơi. Chiếc xe đã đâm vào một học sinh lớp 2 làm cháu này bị thương. 2 vị lãnh đạo này sau đó đã bị cách chức.
Dù những người lớn liên quan tới những vụ việc trên người thì mất chức, người sẽ phải trả giá trước pháp luật, nhưng tôi tin với tòa án lương tâm thì hẳn họ sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho hành động của mình. Bởi trường học lẽ ra là một trong những nơi an toàn nhất cho trẻ nhưng các cháu lại bị tổn thương ngay ở đó.
Từ những vụ việc này, nhìn lại chuyện an toàn giao thông trong và ngoài trường học mới thấy còn nhiều vấn đề phải bàn.
Lâu nay vào đầu mỗi năm học, các địa phương thường ra quân rầm rộ để triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường'' (tháng 9 hằng năm). Trong thời gian này, công an các địa phương phối hợp với các nhà trường tổ chức tuyên truyền pháp luật giao thông cho giáo viên, học sinh bằng nhiều hình thức sinh động; tổ chức cho phụ huynh và học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông.
Nhiều mô hình “cổng trường an toàn giao thông” đã xuất hiện. Năm học 2023-2024, Hải Dương có hơn 500 trường đạt tiêu chí cổng trường an toàn giao thông.
Để bảo đảm an toàn giao thông ở cổng trường học, nhiều trường trong tỉnh đã cho sơn vạch kẻ phân chia khu vực đỗ xe cho phụ huynh khi đưa, đón con. Có nơi ở Hải Dương đã thành lập được tổ bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh, rồi xuất hiện những “hiệp sỹ giao thông”…
Tuy nhiên, theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm học trước toàn tỉnh vẫn còn hơn 300 trường chưa đạt tiêu chí cổng trường an toàn giao thông.
Từ những số liệu trên có thể thấy chúng ta vẫn còn đặt nặng sự quan tâm tới khu vực cổng trường hay an toàn cho học sinh trên đường tới trường mà ít chú tâm tới vấn đề an toàn trong khuôn viên nhà trường.
Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông trong trường học năm 2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, ngoài những đầu mục như tuyên truyền pháp luật, kỹ năng tham gia giao thông, cho học sinh ký cam kết… thì quy định về giao thông trong khuôn viên trường học cũng đã có nhưng còn chung chung. Đó là: Nghiêm cấm điều khiển, dừng đỗ trái phép các phương tiện giao thông ở trong khuôn viên trường học trong giờ học, giờ sinh hoạt, vui chơi của học sinh, học viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường...
Có ý kiến cho rằng việc cấm giáo viên lái xe ô tô tới trường là không khả thi. Tôi cũng đồng tình với ý kiến này, bởi ngày càng nhiều giáo viên có khả năng mua ô tô. Việc họ lái ô tô đi dạy cũng như nhiều cán bộ, công chức, viên chức lái xe tới cơ quan là việc đương nhiên.
Để bảo đảm an toàn cho các em, các trường cần cụ thể hóa kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo như: có lối đi riêng cho giáo viên; quy định những khu vực riêng cho giáo viên được phép lái xe, dừng đỗ xe. Những khu vực này cần được rào chắn, có biển báo hoặc phổ biến để các em học sinh không tụ tập chơi đùa, chạy nhảy…
KIM THANH