Mặc dù có lịch sử lâu đời và danh tiếng về chất lượng, Mazda vẫn gặp phải khó khăn trong việc giành được sức hút ở các thị trường lớn và cạnh tranh với một số đối thủ mạnh.
Tại Việt Nam, Mazda đang gặt hái những thành công nhất định về doanh số bán hàng bằng các mẫu xe như CX-5, Mazda3 hay Mazda2, thậm chí mẫu xe Mazda CX-5 còn luôn lọt vào danh sách Top xe bán chạy hàng tháng.
Thế nhưng, tại các thị trường khác, Mazda lại đang gặp phải những thách thức liên quan đến định vị thương hiệu cũng như giới hạn về số lượng sản phẩm.
Dưới đây là một số lý do khiến Mazda ít được ưa chuộng và khó cạnh tranh với các đối thủ đồng hương như Toyota, Honda hay Nissan trên thị trường toàn cầu được.
Theo phân tích của Vehicle Freak, so với một số đối thủ như Toyota, Honda và Nissan, mức độ nhận diện thương hiệu Mazda thấp hơn trong suy nghĩ của đại đa số khách hàng. Điều này một phần là do ngân sách tiếp thị của Mazda nhỏ hơn, hạn chế về quảng cáo và quảng bá sản phẩm của mình.
Kết quả là, khách hàng tiềm năng có thể không quen thuộc với thương hiệu Mazda. Khi người tiêu dùng đang cân nhắc lựa chọn một chiếc ô tô mới, họ có thể nghĩ đến những thương hiệu nổi tiếng khác như Toyota, Honda hoặc Ford hơn là xem xét đến một thương hiệu ít được biết đến như Mazda.
Một thách thức khác mà Mazda phải đối mặt với việc thiếu nhận thức về thương hiệu là quá trình tạo dựng danh tiếng vững chắc về chất lượng và độ tin cậy sẽ trở nên lâu hơn mặc dù họ nổi tiếng là một trong những nhà sản xuất ô tô có chất lượng cao.
Điều này có thể khiến Mazda gặp khó khăn trong việc tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh cũng như thuyết phục khách hàng chọn xe Mazda thay vì xe của các đối thủ.
Mazda có số lượng sản phẩm ít hơn nhiều đối thủ cạnh tranh, điều này cho phép Mazda tập trung vào sản xuất xe chất lượng cao nhưng mặt trái là có thể hạn chế sự hấp dẫn đối với những khách hàng muốn tìm kiếm nhiều lựa chọn.
Theo CarBuzz, dòng sản phẩm cốt lõi của Mazda chủ yếu được phân chia giữa xe sedan/hatchback/roadster và Crossover. Ở mảng xe sedan/hatchback/roadster có Mazda2, Mazda3, Mazda6, MX-5, còn mảng xe Crossover có CX-3, CX-30, CX-5, CX-50 và CX-8 (một số thị trường gọi là CX-9).
Mẫu xe chạy điện Mazda MX-30 với số lượng bán quá ít và chỉ có mặt tại một số thị trường nhất định. Các dòng xe khác như MPV hay hiệu suất cao lại không có. Trong khi, các đối thủ của Mazda lại có cả có chiều rộng và chiều sâu trong dòng sản phẩm của họ.
Thách thức lớn nhất mà Mazda phải đối mặt khi số lượng mẫu xe giới hạn là việc thu hút những khách hàng đang tìm kiếm những tính năng hoặc phong cách cụ thể trên một chiếc xe. Ngoài ra, hãng cũng phải đối mặt với khó khăn trong việc theo kịp sở thích và xu hướng thay đổi của người tiêu dùng.
Một trong những thách thức chính mà Mazda phải đối mặt với dòng sản phẩm hiện tại là số lượng lựa chọn xe SUV tương đối hạn chế, đặc biệt là ở phân khúc cỡ trung và cỡ lớn. Trong khi, xu hướng SUV lại đang ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây và nhiều thương hiệu đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển và quảng bá các sản phẩm SUV của họ.
Mazda hiện mới chỉ cung cấp các mẫu SUV gồm CX-3, CX-30, CX-5, CX-50 và CX-8/CX-9 nhưng chúng vẫn nhỏ hơn so với một số mẫu SUV cỡ trung và cỡ lớn do các thương hiệu khác cung cấp.
Sự thiếu hụt ở phân khúc SUV cỡ trung và cỡ lớn sẽ khiến Mazda gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với các đối thủ tại các thị trường nơi những chiếc SUV cỡ lớn được ưa chuộng, đồng thời bỏ lỡ cơ hội thu hút khách hàng mới và mở rộng thị phần.
Cùng với xu hướng SUV hóa, xe hybrid và xe điện cũng ngày càng trở nên phổ biến vì những dòng xe này mang lại hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu và lượng khí thải thấp hơn so với các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống. Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến môi trường, nhu cầu về xe hybrid và xe điện sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, Mazda mới chỉ có duy nhất mẫu CX-50 là xe hybrid, còn MX-30 là xe điện mới bán ở một số thị trường nhất định. Với số lượng xe hybrid và xe điện còn hạn chế như vậy, Mazda có thể đánh mất doanh số và thị phần tiềm năng vào tay các đối thủ.
Mặc dù Mazda là một thương hiệu nổi tiếng ở Nhật Bản và một số thị trường châu Á khác nhưng sự hiện diện toàn cầu của Mazda tương đối hạn chế so với một số đối thủ cạnh tranh.
Năm 2022, Mazda chỉ bán được hơn 1,1 triệu xe, trong khi các đối thủ đồng hương là Nissan bán được 3,2 triệu xe, Honda là 3,5 triệu xe và Toyota là 10,5 triệu xe. Sự chênh lệch đáng kể về doanh số bán hàng này một phần là do sự hiện diện toàn cầu của Mazda còn hạn chế, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc.
Trong vài năm trở lại đây, Mazda đã đưa ra quyết định chiến lược kinh doanh mới, đó là không theo đuổi thị trường cấp thấp. Điều này hợp lý vì tỷ suất lợi nhuận thấp và Mazda muốn định vị mình là một thương hiệu cao cấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Đây được xem là một bước đi vững chắc trong dài hạn nhưng cũng vì thế giá bán của các mẫu xe Mazda tăng lên đáng kể khiến nhu cầu sở hữu của người dùng xe Mazda với chi phí vừa phải bị sụt giảm.
Điều đó cũng giúp giải thích tại sao nhiều thị trường ít thấy sự hiện diện của những mẫu xe gắn logo Mazda chạy trên đường như các thương hiệu phổ thông khác như Toyota, Honda, KIA hay Hyundai.
Theo Vietnamnet